Mặc dù lợi thế nuôi trồng thủy sản không lớn nhưng những năm gần đây việc áp dụng các tiến bộ khoa học mới vào sản xuất đã giúp người dân phát triển nghề này bền vững hơn. Hiện toàn tỉnh Hà Tĩnh có 7.453 ha nuôi trồng thủy sản; trong đó, nuôi nước ngọt 4.400ha, còn lại là nuôi mặn lợ.
Đối tượng nuôi nước ngọt chủ yếu là các loài cá truyền thống: mè, trôi, trắm, chép, tập trung ở huyện Đức Thọ, Can Lộc, Thạch Hà, Cẩm Xuyên; nuôi mặn lợ hầu hết là tôm, cua, cá các loại, nhuyễn thể…
Bà Nguyễn Thị Hoài Thúy, Trưởng phòng nuôi trồng (Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh) cho hay, theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, nhận định mùa đông năm nay nền nhiệt các tháng chính đông (từ tháng 12/2022 đến tháng 2/2023) rét ở mức vừa phải. Riêng tháng 1/2023 cao hơn trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C. Rét đậm, rét hại (trung bình ngày từ 15 và 13 độ trở xuống sẽ tập trung trong các tháng này, mỗi đợt 2 - 5 ngày).
Diễn biến các đợt rét này sẽ gây bất lợi cho nuôi trồng thủy sản. Vì vậy, để giảm thiểu thiệt hại do rét đậm, rét hại gây ra và chủ động trong sản xuất, Chi cục thuỷ sản đề nghị UBND các huyện, thành phố, thị xã triển khai thực hiện một số nội dung sau:
Chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn hướng dẫn các biện pháp phòng chống rét cho thuỷ sản nuôi như, chỉ tổ chức nuôi trồng thủy sản trong mùa đông đối với các cơ sở đáp ứng đủ điều kiện, có thể chủ động thực hiện các biện pháp chống rét cho thủy sản.
Trong những ngày giá rét, tuyệt đối không dùng lưới kéo để kiểm tra thủy sản nuôi, không thu hoạch theo cách đánh tỉa thả bù. Ảnh: nuoitomantoan.com
Trong thời gian giá rét, tuyệt đối không dùng lưới kéo để kiểm tra thủy sản nuôi, không thu hoạch theo cách đánh tỉa thả bù để tránh xây sát thủy sản nuôi nhằm hạn chế các bệnh đốm đỏ, lở loét do nấm, trùng quả dưa và ký sinh trùng.
Đối với các đối tượng thuỷ sản nuôi đạt kích cỡ thương phẩm gần đến kỳ thu hoạch nhưng không có điều kiện phòng chống rét, nhất là các đối tượng chịu rét kém như cá rô phi, cá chim trắng, cá lóc, ba ba, cá vược, cá chim vây vàng, tôm,… chỉ đạo, tổ chức thu hoạch sớm và triệt để, không để xẩy ra hiện tượng thủy sản chết do rét.
Đối với diện tích thuỷ sản đang nuôi (thuỷ sản chưa đạt kích cỡ làm thương phẩm, đàn cá bố mẹ, cá giống) cần áp dụng:
+ Duy trì mực nước ao đảm bảo độ sâu 1,5 - 2m để ổn định nhiệt độ nước.
+ Thả sọt đan bằng tre nứa, bên trong sọt có các búi rơm tạo giá thể để thuỷ sản trú ẩn rét, đặt sọt ở góc phía bắc ao nuôi.
+ Làm khung và che phủ bề mặt ao nuôi bằng nilon sáng màu (nếu có điều kiện) hoặc thả bèo tây trên mặt ao từ 1/2 – 2/3 diện tích mặt ao về phía bắc để chắn gió, cách nhiệt không khí, tăng khả năng giữ nhiệt cho nước ao nuôi và khi có ánh nắng sẽ tăng khả năng hấp thu năng lượng mặt trời bổ sung nhiệt cho ao nuôi.
+ Di chuyển lồng bè nuôi đến kín gió, thả sâu lồng nuôi 1,8 - 2,0m để ổn định nhiệt độ môi trường.
+ Cho thuỷ sản nuôi ăn đầy đủ, sử dụng các loại thức ăn có chất lượng cao, khẩu phần ăn phù hợp, bổ sung vitamin C để tăng sức đề kháng. Khi nhiệt độ nước ao nuôi ≤15oC thì ngừng cho ăn; vào thời điểm năng ấm trong ngày có thể cho ăn bàng thức ăn tinh, thức ăn chế biến, thức ăn hỗn hợp hoàn chỉnh.
+ Định kỳ dùng vôi (CaO), liều lượng 2 - 3 kg/100 m2 (1 lần/tháng) bón xuống ao nuôi.
Người nuôi trồng thủy sản cần theo dõi diễn biết thời tiết thường xuyên để phát hiện các yếu tố môi trường bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp, kịp thời. Ảnh: aouongdidong.com
+ Hằng ngày theo dõi diễn biến thời tiết, điều kiện tự nhiên và các yếu tố mô trường nhằm phát hiện kịp thời các hiện tượng bất thường để có biện pháp xử lý phù hợp.
Nhiệm vụ tiếp theo là chủ động, tăng cường hướng dẫn trên các phương tiện thông tin đại chúng về các biện pháp chống rét cho cơ sở sản xuất giống, lưu giống, nuôi thương phẩm thuỷ sản để tránh bị thiệt hại, đảm bảo cung cấp đủ thực phẩm cho thị trường, nhất là dịp tết.
Khi có thuỷ sản nuôi bị thiệt hại do rét đậm, rét hại đề nghị kịp thời thống kê, đánh giá báo cáo về Chi cục thủy sản để tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định…