Năm 2022, toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 103 cơ sở nuôi cá tra bố mẹ sinh sản và 1.913 cơ sở ương dưỡng cá tra giống đang hoạt động. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang cùng với các địa phương trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất giống cá tra tập trung tại 2 tỉnh An Giang (350 ha) và Đồng Tháp (420 ha) theo hướng đồng bộ, khép kín, ứng dụng công nghệ cao.
Ông Nhữ Văn Cẩn, Vụ trưởng Vụ nuôi trồng thuỷ sản thuộc Tổng cục thuỷ sản, cho biết hoạt động sản xuất cá tra giống ở Đồng bằng sông Cửu Long thời gian qua đã đạt được nhiều thành công, đáp ứng được vai trò giúp ngành cá tra chinh phục thị trường nhập khẩu. Giá bán cá tra thương phẩm hiện lên tới 29.500-31.000 đồng/kg, tăng 5.000 - 6.500 đồng/kg so với năm 2021.
Bên cạnh mặt tích cực, giá cá tra tăng cao cũng tiềm ẩn nhiều hệ lụy như tình trạng ồ ạt nuôi trồng “ăn theo” khiến chất lượng sản phẩm có thể bị giảm sút, gây mất ổn định ngành hàng cá tra.
Từ góc độ khoa học kỹ thuật sản xuất cá tra giống, ông Trần Hữu Phúc đến từ Viện nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản II, nêu vấn đề, hiện 100% các trại sản xuất cá tra giống đều sử dụng kích dục tố HCG (Human Chorionic Gonadotropin) để thúc đẩy cá sinh sản. HCG được lựa chọn sử dụng nhiều nhất, bởi tỷ lệ rụng trứng của cá tra khi sinh sản nhân tạo đạt 100%. Đặc biệt, trước đây giá thành rẻ hơn so với các loại chất kích thích sinh sản khác.
“Tuy nhiên, nguồn nhập khẩu HGC cho cá từ Trung Quốc bị thiếu hụt dẫn đến giá tăng đột biến, nên đã tác động làm tăng giá cá tra giống được sản xuất ra, mà cụ thể trong quí 1 và 2/2022, giá cá tra giống đã tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2019”, ông Phúc nhấn mạnh.
Đặc biệt, ông Phúc cho biết nhiều trại sản xuất cá tra bột phản ánh chất lượng HCG cho cá không được đồng nhất giữa các nguồn cung cấp. Thậm chí, ngay trong cùng một nhãn hiệu của 1 công ty cũng không ổn định giữa các đợt sản xuất khác nhau. Điều này, ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả và chất lượng sinh sản ra cá bột và cá giống.
"Có thể thay thế HCG bằng não thuỷ thể; kết hợp não thuỷ thể với LH-Rha (Luteinzing Hormone- Releasing Hormone analog) và sản phẩm Ovaprim" ông Phúc đề xuất, đồng thời cũng lưu ý các kết quả thử nghiệm các giải pháp vừa nêu đều mới chỉ ở phạm vi nhỏ và rất hạn chế trong kiểm chứng ở điều kiện thực tế sản xuất. Do đó, cần được nghiên cứu một cách chi tiết hơn về liều lượng, các thông số kỹ thuật trước và sau khi rụng trứng cho từng đàn cá của từng cơ sở ứng dụng.