Cá rô đồng là loài cá bản địa, có sức chịu đựng tốt với điều kiện môi trường không thuận lợi, luôn biến động liên tục bởi thời tiết, khí hậu, thông số môi trường. Hiện nay, cá rô đồng được bà con nuôi thâm canh, mật độ thả nuôi khá cao. Thường bà con thả nuôi từ cá bột, mật độ trung bình 500.000 – 1.000.000 cá bột/1.000 m2 ao, sau thời gian nuôi 4,5 - ≥ 5 tháng thì tiến hành thu hoạch cá thương phẩm. Tuy nhiên, do nuôi mật độ cao nên tỷ lệ sống của cá thả nuôi từ giai đoạn cá bột, đến khi thu hoạch cá thương phẩm thường rất thấp. Trung bình, tỷ lệ sống các mô hình nuôi cá rô đồng hiện nay dao động từ 5 – 10 %, một số rất ít mô hình nuôi đạt ≤ 15 %.
Nguyên nhân mắc bệnh
Rất nhiều nguyên nhân tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến tỷ sống của cá. Trong suốt quá trình nuôi, từ tháng nuôi đầu tiên đến khi thu hoạch, cá hay bị hiện tượng đen thân, tưa mang, xù vảy, lở loét cơ thể, viêm sưng hoặc kèm theo xuất huyết nội tạng.
Cải tạo và xử lý ao ban đầu, xử lý nguồn nước nuôi không triệt để, là nguyên nhân làm môi trường nước nuôi không đạt yêu cầu. Nguồn gốc giống, chất lượng cá giống, vấn đề trùng huyết do di truyền lai gần, cũng là nguyên nhân làm sức khỏe cá suy giảm, sức đề kháng kém, tạo điều kiện cho các địch hại tấn công. Sử dụng thuốc kháng sinh, hoá chất quá nhiều, liên tục, làm môi trường nước nuôi ô nhiễm, vi khuẩn lờn thuốc. Cùng thời điểm với hiện tượng trên, chất lượng nguồn nước nuôi cá thường kém, thông số môi trường nước không đạt yêu cầu.
Chất lượng nguồn nước xấu, thông số môi trường bất lợi, biến động thời tiết rất thuận lợi cho vi khuẩn tấn
Thời tiết chuyển xấu, ngày nắng nóng, đôi khi kèm mưa lớn bất chợt, đêm nhiệt độ xuống thấp, chênh so ban ngày 8 – 10 độ C khiến cá bị sốc nhiệt. Nắng nóng kéo dài khiến tảo độc như tảo lam, tảo mắt, phát triển mạnh trong ao nuôi. Chất lượng, định lượng thức ăn không hợp lý, gây dư thừa, ô nhiễm nguồn nước. Chất lượng nguồn nước xấu, thông số môi trường bất lợi, biến động thời tiết rất thuận lợi cho nấm, ký sinh trùng, vi khuẩn như Edwardsiella ictalurid, Aeromonas sp, Streptococcus…trong ao phát triển, tấn công, gây hại cho cá nuôi.
Biểu hiện bệnh của cá
Cá rô đồng bị bệnh có một hoặc nhiều dấu hiệu như sau:
- Cá bơi lội, di chuyển khó khăn, hay xuất hiện mé bờ, bơi lờ đờ trên mặt nước, cá búng, nhảy lên khỏi mặt nước, cá hay lao nhanh về phía trước, bơi lội vô hướng, tụ tập số lượng lớn nơi nước chảy vô ao.
- Da cá chuyển từ màu sáng sang tối sẫm, đen hoặc trắng nhạt, có hiện tượng xuất huyết dưới da, mưng mủ, ghẻ, hoại tử.
- Mang tưa rách, lá mang, tia mang, chuyển từ màu hồng đỏ sang hồng nhạt hoặc trắng, mang bị rách, tưa, đứt từng mảng.
- Vảy cá xù lên, bong ra từng mảng, xuất hiện vết thương nơi vảy tổn thương. Mắt cá lồi dần, chuyển từ trong sang đục, mưng mủ.
- Hậu môn sưng to, lồi ra ngoài, xuất huyết hậu môn. Bụng cá trương to, tiến hành mổ cá, nội tạng xuất huyết, nội quan viêm, sưng tấy. Ruột ít hoặc không có thức ăn.
- Nấm, ký sinh trùng bám nhiều bên ngoài cơ thể cá, ký sinh trùng bên trong nội tạng.
- Cá đớp móng (các bong bóng nhỏ do cá ăn mồi trên mặt nước tạo nên) chậm , bong bóng lâu tan, do nhiều nhớt trong miệng không được làm sạch. Cá giảm hoặc bỏ ăn, cá chết số lượng tăng dần.
Bên cạnh đó, việc nguồn nước ô nhiễm, keo đặc, có nhiều bọt lâu tan nổi trên mặt nước, nước ao bốc mùi tanh, hôi thối cũng là dấu hiệu quan trọng nhận biết sức khỏe cá không tốt.
Khi cho ăn lại, nên bắt đầu bằng lượng ăn 50% so với lúc đầu. Ảnh: navifeed.vn
Phương pháp phòng ngừa
Trước khi tiến hành vụ nuôi, bà con nên sên vét bùn đáy, di chuyển bùn ra khỏi ao nuôi, gia cố bờ, cống, trảm mọi, bón vôi sống CaO hoặc Ca(OH)2, liều lượng 25 – 30 kg/100m2 ao, phơi ao 3 – 5 ngày (chỉ phơi khô ao trong trường hợp ao không bị phèn đáy).
Lấy nước qua túi lọc vào ao lắng, lắng lọc kỹ bằng thuốc tím (KMnO4); PAC (Poly Aluminum Chloride), diệt tảo độc bằng hydrogen peroxide (H2O2) hay còn gọi là oxy già. Xử lý kim loại nặng, bà con có thể dùng EDTA (Ethylene Diamine Tetraacetic Acid), xử lý nước bằng Chlorin Ca(ClO)2, Trichlorocyanuric axít - TCCA (C3N3O3Cl3), Benzalkonium Chloride (BKC), Iodine (I2)…liều lượng sử dụng theo nhà sản xuất sản phẩm hướng dẫn trên bao bì. Nước sau khi xử lý kỹ, dẫn qua ao nuôi sử dụng. Quá trình thay nước, bà con nên dùng nguồn nước đã qua xử lý các loại hoá chất trên.
Sử dụng nguồn giống khoẻ, có nguồn gốc rõ ràng, thả nuôi mật độ 300.000 – 500.000 cá bột/1.000 m2 ao. Cá bột nên thực hiện công đoạn ương ao riêng, sau 1 tháng ương, bà con chặt lồng lọc cá, loại bớt cá đực, chuyển sang ao nuôi thương phẩm, thả nuôi mật độ 100 – 200 cá giống cỡ 300 con/kg/1.000 m2 ao.
Trong quá trình nuôi thương phẩm, bà con chọn thức ăn công nghiệp có hàm lượng đạm 40 – 27% theo giai đoạn phát triển, theo trọng lượng cá nuôi và tháng nuôi. Sử dụng viên thức ăn từ size dạng mảnh đến 4.0 mm. Bà con cần định lượng thức ăn theo nhu cầu sử dụng thực tế của cá, đảm bảo tỷ lệ cho ăn từ 10 – 3 % so với trọng lượng thân cá, phụ thuộc giai đoạn phát triển, trọng lượng cá nuôi và tháng nuôi.
Cá rô đồng thương phẩm đạt kích cỡ đồng đều, dày thịt
Biện pháp cải thiện hiệu quả
Trong quá trình nuôi, khi cá có dấu hiệu bị bệnh, bà con tiến hành ngưng không cho cá ăn 1- 2 ngày. Thay 20–30 % nước, dùng Chloramine B (C6H5SO2NClNa); Iodine (I2) để diệt vi khuẩn, nấm, ký sinh trùng… trong nước, liều dùng theo hướng dẫn nhà sản xuất. Ban đêm đánh bổ xung Cao hoặc Ca(OH)2, liều 2 – 3 kg/100m2 ao, cải thiện nền đáy. Ban ngày đánh vi sinh EM ủ, kết hợp đường và Vitamin C.
Khi cho ăn lại, nên bắt đầu bằng lượng ăn 50% so với lúc đầu, sau đó nâng dần theo nhu cầu sử dụng của cá. Thức ăn nên chủ động bổ xung chất hỗ trợ gan như Sorbitol, Methionine, Choline, Inositol, Beta glucan, B12, Premix, Acid hữu cơ, Acid amin thiết yếu, khoáng chất, vi sinh đường ruột có lợi như Lactobacillus, Bacillus sp, Bacillus subtilis, Saccharomyces, Streptococcus sp …các Enzyme tiêu hóa như Amylase, Cellulase, Protease, lipase, Phytase, chế phẩm sinh học Probiotic, Prebiotic…
Bà con hạn chế sử dụng kháng sinh trong quá trình nuôi, trong trường hợp bất đắc dĩ phải sử dụng, bà con nên sử dụng không quá 5 ngày, tốt nhất 3 ngày, sau đó ngưng thuốc, tập trung giải độc gan, tăng cường sức khoẻ, đề kháng cho cá. Sau tháng nuôi đầu tiên, định kỳ, bà con dùng Praziquantel, Ivermectin, Albendazole, Fenbendazole… sổ ký sinh trùng cho cá, liều lượng theo hướng dẫn của công ty sản xuất thuốc. Sau khi sổ cần diệt khuẩn nước, tập trung tăng cường sức khoẻ cho cá, tăng đề kháng, giúp cá tăng trưởng, phát triển nhanh.