Hiệu quả bước đầu
Những năm gần đây, khi mô hình nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh (còn gọi là nuôi tôm công nghiệp) ngày càng mở rộng thì hiệu quả mô hình này ngày càng giảm, rủi ro dịch bệnh ngày càng cao, khiến nhiều bà con nông dân trở thành “đại gia” nhờ nuôi tôm, rồi cũng vì đeo theo nuôi tôm công nghiệp mà phải bán đất nuôi tôm trả nợ.
Theo số liệu thống kê của Chi cục Thủy sản, năm 2012, diện tích thả nuôi tôm toàn tỉnh là 5.082,7 ha, trong đó diện tích nuôi tôm công nghiệp là 3.012,9 ha. Tuy nhiên, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại lên đến 927,8 ha (chủ yếu là tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh), chiếm 30,8% tổng diện tích thả nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh.
Hơn nửa, kết quả sản xuất năm 2012 chỉ có khoảng 30% hộ nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh trên địa bàn tỉnh có lợi nhuận do tôm nuôi bị dịch bệnh trên diện rộng, giá tôm giảm thấp trong thời gian dài trong khi giá thành sản xuất liên tục tăng cao. Trong khi đó, năm 2011, số hộ nuôi tôm có lợi nhuận chiếm đến 90% tổng số hộ nuôi tôm.
Chính vì những yếu kém của mô hình nuôi tôm công nghiệp ngày càng bộc lộ rõ, nhất là trong điều kiện trình độ kỹ thuật người nuôi chưa đáp ứng yêu cầu, cơ sở hạ tầng vùng nuôi chưa đảm bảo, ý thức cộng đồng của người nuôi tôm chưa cao, mà mấy năm gần đây mô hình tôm-lúa trên địa bàn tỉnh ngày càng phát triển, chủ yếu tập trung ở huyện Tân Phú Đông. Nếu như năm 2009, diện tích nuôi tôm - lúa toàn tỉnh chỉ khoảng 200 ha thì hiện nay diện tích canh tác mô hình này đã tăng gần 3 lần.
Theo báo cáo của Trạm Thủy sản số 3, hiện nay, huyện Tân Phú Đông hiện có 554,49 ha nuôi theo mô hình tôm-lúa trong gần 3.000 hecta nuôi tôm của toàn huyện; trong đó xã Phú Đông 40 ha, Phú Tân 511,4 ha. Trước đây bà con chỉ canh tác theo kinh nghiệm cá nhân với giống lúa chủ yếu là giống lúa mùa 2 bông thời gian canh tác dài (khoảng 6 tháng) và tôm chỉ thả giống kém chất lượng không qua kiểm dịch.
Những năm gần đây, nhờ được sự chuyển giao khoa học kỹ thuật của ngành nông nghiệp, mô hình tôm-lúa bước đầu đã đem lại hiệu quả khả quan do hạn chế việc sử dụng hoá chất, dịch bệnh trên tôm, giảm chi phí sản xuất lúa (do sử dụng chất hữu cơ từ vụ nuôi tôm trước), ổn định môi trường sinh thái. Năng suất lúa trung bình mỗi năm đạt khoảng 5,1 tấn/ha và tôm đạt khoảng khảng 200-300kg/ha.
Theo UBND huyện Tân Phú Đông, trong vụ tôm công nghiệp năm 2010 và 2011, nông dân có lợi nhuận cao, riêng diện tích nuôi tôm quảng canh cải tiến có thu nhập mỗi năm khoảng 10-15 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, một số hộ sau khi kết thúc vụ nuôi tôm, nông dân xuống giống lúa mùa địa phương (giống lúa Hai Bông) năng suất đạt thấp. Xuất phát từ tình hình nêu trên, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông đã thử nghiệm một số giống lúa chất lượng cao tại địa bàn xã Phú Tân. Kết quả cho thấy hai giống lúa (OM 4900 và OM 6796) đạt năng suất mỗi vụ khoảng 6-7 tấn/ha, góp phần mang lại thu nhập cao hơn cho người sản xuất theo mô hình tôm-lúa.
Lợi ích bền vững
Theo các chuyên gia ngành nông nghiệp, việc trồng lúa trên đất nuôi tôm không không xảy ra sự “xung đột” nào trong quá trình canh tác mà còn mang lại nhiều lợi ích thiết thực trong mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Vào mùa khô, nước trong sông rạch mặn thì lấy vào nuôi tôm, đến khi mưa xuống nước ngọt trở lại thì lại lấy vào trồng lúa.
Thực tế cũng cho thấy, khi hệ thống luân canh tôm - lúa xuất hiện thì cả hai đối tượng này đều phát triển tốt. Sau khi nuôi một vụ tôm thì tiến hành trồng một vụ lúa, khi đó những chất thải hữu cơ dưới đáy ao tôm sẽ làm cho ruộng lúa trở nên màu mỡ, nên người trồng lúa chỉ bón một lượng nhỏ phân là đáp ứng nhu cầu phát triển của cây lúa. Bên cạnh đó, để tránh ảnh hưởng đến tôm nuôi, người thực hiện mô hình phải áp dụng các biện pháp phòng bệnh tổng hợp, ít sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (giảm 70 – 80%). Vì vậy, trồng lúa trong mô hình này có chi phí thấp, lợi nhuận tăng lên đáng kể.
Ngược lại, nuôi tôm sau vụ lúa sẽ giúp nền đáy ao được khoáng hóa, giảm thiểu các chất độc trong ao tôm, hạn chế được tình trạng vùng nuôi tôm bị lão hóa do đất bị ngập mặn lâu dài, cắt mầm bệnh trên tôm, môi trường ao tôm ổn định, nên trong vụ tôm cũng không cần phải sử dụng nhiều loại thuốc, hóa chất để phòng trị bệnh, dẫn đến chi phí sản xuất thấp, lợi nhuận vì thế cũng tăng cao.
Mặt khác, một lợi ích khác không kém phần quan trọng đó là hệ thống canh tác tôm-lúa giúp hạn chế sử dụng hóa chất độc hại, sử dụng tài nguyên nước hợp lý theo từng thời điểm và mùa trong năm, thích ứng với điều kiện tự nhiên, thời tiết khí tượng thủy văn, tạo ra những sản phẩm sạch, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm phù hợp với quy trình sản xuất nông nghiệp tốt (GAP), từ đó giúp nâng cao giá trị hàng hóa cho cả tôm và lúa và nâng cao tính bền vững của mô hình.
Cần vượt qua khó khăn
Mặc dù, mô hình tôm-lúa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã hình thành hơn 10 năm qua với những hiệu quả bước đầu đầy sức thiết phục. Tuy nhiên, để tiếp tục nhân rộng mô hình này cho xứng với tiềm năng của tỉnh cần phải vượt qua một số khó khăn.
Theo Trạm Thủy sản số 3, khó khăn đầu tiên của mô hình tôm-lúa là chưa có quy hoạch cụ thể, diện tích ao nuôi canh tác theo mô hình tôm-lúa còn xen lẫn giữa mô hình nuôi tôm công nghiệp; điều này dẫn đến hệ thống thủy lợi phục vụ mô hình chưa đồng bộ. Trong khi đó, người nuôi theo mô hình tôm-lúa chủ yếu dựa vào kinh nghiệm nuôi truyền thống, chưa ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào trong canh tác.
Thiếu sự liên kết, hợp tác giữa nông dân canh tác theo mô hình tôm-lúa cũng như giữa các bên có liên quan để cùng nhau phát triển mô hình. Tôm giống chưa đáp ứng được yêu cầu cả về số lượng, chất lượng, trong khi ý thức về vấn đề chất lượng tôm giống của người dân chưa cao. Bên cạnh đó, đến nay chưa có các giống lúa chất lượng cao, phù hợp với mô hình tôm-lúa và đặc thù của từng vùng sinh thái khác nhau.
Để giải quyết các khó khăn này, các chuyên gia ngành nông nghiệp cho rằng, cần rà soát, quy hoạch hợp lý các vùng tôm-lúa để đầu tư cơ sở hạ tầng. Nhà nước cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ việc tổ chức sản xuất mô hình tôm-lúa theo hướng hợp tác; tăng cường tập huấn kỹ thuật, nhất là về quản lý môi trường nước và phòng trị bệnh trên tôm nuôi.
Các Viện, Trường cần quan tâm nghiên cứu tìm ra các bộ giống lúa có phẩm chất gạo tốt và có khả năng thích nghi ở các vùng sinh thái khác nhau. Nghiên cứu và thử nghiệm các giải pháp xử lý chất thải nhằm bảo vệ trường vùng nuôi tôm-lúa.
Nông dân cần làm tốt khâu cải tạo ao nuôi, tăng cường sử dụng cơ giới hóa để giảm bớt áp lực do thiếu lao động; cần tìm nguồn cung cấp giống có uy tín, thực hiện nghiêm túc việc kiểm tra chất lượng giống cũng như sự đồng đều của tôm giống; chỉ nên thả tôm giống 1-2 lần/vụ với mật độ 5-10 con/m2.
Tại hội nghị bàn về việc phát triển mô hình tôm lúa ở ĐBSCL vừa qua, ông Bùi Bá Bổng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẳng định, canh tác tôm-lúa là mô hình “nông nghiệp thông minh” như một số nước phát triển đang thực hiện. Mô hình sinh thái tôm-lúa là bền vững cần được tiếp tục nghiên cứu để phát triển.