Theo báo cáo mới nhất của VASEP, trong vòng 5 năm qua (2007-2011), đặc biệt 2 năm gần đây, lượng và giá trị nhập khẩu nguyên liệu thủy sản tăng mạnh ở 2 con số. Nếu kim ngạch nhập khẩu nguyên liệu thủy sản trong năm 2007 chỉ ở mức 247,7 triệu đô la Mỹ thì đến năm 2011, con số này tăng lên 541 triệu đô la Mỹ.
Chỉ sau 5 năm giá trị nhập khẩu thủy sản đã tăng gấp 2,2 lần; trong đó, trung bình 80-85% lượng thủy sản nhập khẩu hàng năm được dùng cho gia công và sản xuất xuất khẩu, đóng góp 10-14% giá trị kim ngạch xuất khẩu thủy sản Việt Nam trong 5 năm qua, tương đương 400-900 triệu đô la Mỹ/năm.
Trong 6 tháng đầu năm 2012, Việt Nam đã nhập khẩu nguyên liệu thủy sản từ 69 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới với trị giá đạt gần 331 triệu đô la Mỹ; trong đó cá các loại (trừ cá tra) chiếm 37%, cá ngừ chiếm 30,6%, tôm chiếm hơn 23%, còn lại là nhuyễn thể, cua ghẹ và giáp xác khác.
VASEP cho rằng, việc tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của ngành thủy sản trong nhiều năm qua có sự đóng góp không nhỏ của việc nhập khẩu nguyên liệu để chế biến xuất khẩu. Vì nguồn nguyên liệu thủy sản trong nước thiếu trầm trọng (kể cả khai thác và nuôi) do tài nguyên hải sản ở biển có hạn, diện tích nuôi trồng thâm canh ngày càng thu hẹp do chính sách ưu tiên phát triển đô thị và khu công nghiệp của nhiều tỉnh, ảnh hưởng của thiên tai và dịch bệnh…, làm cho số lượng và chất lượng nguyên liệu thủy sản đủ tiêu chuẩn để cung cấp cho chế biến xuất khẩu ngày càng giảm sút.
Do vậy, nhiều doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thủy sản tại Việt Nam phải nhập khẩu nguyên liệu để sản xuất các sản phẩm xuất khẩu như là một trong những phương cách để giữ khách hàng, người lao động.