Báo cáo tại buổi lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị định về sản xuất và xuất khẩu cá tra được tổ chức tại thành phố Cần Thơ hôm 14-5, ông Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) kiêm Phó trưởng ban soạn thảo nghị định này, cho biết trong những năm gần đây, tình hình sản xuất và xuất khẩu cá tra Việt Nam có sự thay đổi lớn, đặc biệt là ở khâu sản xuất và xuất khẩu.
“Vì thế, rất cần một nghị định về sản xuất và xuất khẩu cá tra để giải quyết những vấn đề đó”, ông Tuấn cho biết.
Theo ông Tuấn, trong những năm qua, ngành sản xuất, chế biến và xuất khẩu cá tra của Việt Nam phát triển rất nhanh nhưng quản lý không tốt dẫn đến tình trạng cung vượt cầu và đây cũng là nguyên nhân làm giá bán trên thị trường luôn ở mức thấp.
“Giải pháp tháo gỡ khó khăn đó là phải rà soát quy hoạch và quy hoạch phải gắn với nhu cầu của thị trường”, ông Tuấn nói.
Chính vì thế, dự thảo nghị định này quy định: “Trước khi thả nuôi, cơ sở nuôi cá tra thương phẩm phải đăng ký diện tích nuôi, thời gian nuôi và sản lượng nuôi với Hiệp hội cá tra Việt Nam (VN Pangasius)”. Tuy nhiên, nhiều đại biểu tham dự buổi lấy ý kiến tỏ ra băn khoăn trong việc kiểm soát sản lượng khi Việt Nam chưa có chế tài rõ ràng khi người nuôi “xé rào” nuôi vượt quy hoạch.
Ông Hồ Văn Vàng, Phó chủ tịch VN Pangasius, cho biết nên lấy kinh nghiệm nuôi cá hồi của Na Uy để áp dụng đối với cá tra Việt Nam. “Ở Na Uy, sau khi được chấp thuận cho phép nuôi, nếu ai nuôi dư sẽ bị tịch thu, do đó, họ tuân thủ rất tốt”, ông Vàng cho biết.
Ngoài ra, một số vấn đề về giá sàn mua nguyên liệu; giá sàn xuất khẩu sản phẩm cá tra cũng được đề xuất xây dựng trong bản dự thảo lần này và đây cũng là vấn đề nhận được không ít sự quan tâm của đại biểu bởi trước đó đã nhiều lần Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đề xuất nhưng chưa thành công.
Theo ông Doãn Tới, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Nam Việt, để giải quyết vấn đề bán phá giá của các doanh nghiệp xuất khẩu, nhất thiết phải có sự hỗ trợ của Hải quan thông qua việc kiểm soát giá bán của họ, kết hợp với chế tài mạnh.
“Nếu doanh nghiệp vi phạm lần đầu phát 10 triệu đồng; lần 2 phạt 30 hay 50 triệu đồng; lần 3 cấm xuất khẩu, có như vậy mới mong doanh nghiệp nghiêm túc áp dụng”, ông cho biết.
Bên cạnh đó, dự thảo nghi định này còn đề ra mục tiêu đến cuối năm 2014, toàn bộ diện tích nuôi cá tra thương phẩm của Việt Nam phải đạt được chứng nhận thực hành nông nghiệp tốt (Viet Gap) hoặc đạt các chứng nhận quốc tế khác tương đương.