Thực hiện chính sách phát triển thủy sản theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP và Nghị định 89/2015/NĐ-CP của Chính Phủ, tỉnh Phú Yên có 66 chủ tàu cá đủ điều kiện vay tín dụng đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu và vay vốn lưu động với tổng nhu cầu vốn hơn 316 tỷ đồng.
Trong số này, có 21 tàu được đóng mới công suất từ 713 mã lực trở lên với vốn đầu tư gần 303 tỷ đồng, trong đó đã hạ thủy 12 tàu; 4 tàu cá khác được vay vốn hơn 4,4 tỷ đồng để nâng công suất lên 400 mã lực. Hầu hết những tàu đóng mới, nâng cấp, chủ tàu đều làm ăn có lãi từ 50 - 400 triệu đồng/chuyến.
Ông Võ Văn Lành, phường 6, thành phố Tuy Hòa được vay vốn đóng 2 tàu vỏ gỗ công suất 713 mã lực. Ông Lành cho biết, riêng năm 2016, hai tàu vỏ gỗ thực hiện tổng cộng 16 chuyến biển, trong đó, 12 chuyến có lãi, mỗi chuyến từ 60 - 400 triệu đồng; 4 chuyến còn lại bị lỗ do ảnh hưởng thời tiết. Gia đình đã trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng theo đúng hạn được 3 kỳ đối với tàu vỏ gỗ.
Ngoài ra, ngư dân tỉnh Phú Yên cũng tự bỏ tiền đầu tư và vay nguồn khác đóng mới 38 tàu vỏ gỗ; 127 tàu khác được nâng cấp thay máy công suất từ 400 mã lực trở lên.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cũng mở các lớp đào tạo thuyền viên làm việc trên tàu hành nghề khai thác cá ngừ đại dương.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phú Yên cho biết, hiện Sở phối hợp với các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ ký hợp đồng tín dụng đối với chủ các tàu cá đã được UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.
Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương hướng dẫn, giúp đỡ ngư dân có điều kiện tự bỏ vốn để đóng mới, cải hoán tàu cá và tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo để ngư dân yên tâm bám biển.
Tỉnh Phú Yên đề ra mục tiêu trong năm nay sẽ đóng mới 160 tàu cá công suất từ 400 mã lực trở lên. UBND tỉnh Phú Yên kiến nghị Bộ Tài chính hỗ trợ gần 25 tỷ đồng để tiếp tục thực hiện một số chính sách phát triển thủy sản năm 2017 theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ.