Sau sự cố môi trường biển, người dân ở xã Trung Hải, huyện Gio Linh , tỉnh Quảng Trị đã nuôi tôm trở lại. Tuy nhiên, dịch bệnh trên tôm xuất hiện, nhiều hộ nuôi tôm đứng trước nguy cơ mất trắng.
Thôn Xuân Long, xã Trung Hải, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị có gần 14 héc ta nuôi tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên, khi tôm nuôi được khoảng 30 đến 60 ngày tuổi bắt đầu bị dịch bệnh, chết hàng loạt. Ông Lê Văn Thiện, thôn Xuân Long, xã Trung Hải, huyện Gio Linh cho biết, vốn liếng, tiền của đầu tư vào nuôi tôm, giờ tôm bị bệnh chết hàng loạt, gia đình mất trắng cả trăm triệu đồng.
“Năm nay cả vùng này đều dính bệnh, tôm dài nhất khoảng 45 ngày, 50 ngày toàn là dính bệnh gan tụy, thua lỗ tương đối lớn. Riêng gia đình tôi thiệt hại 100 triệu đồng, vớt vát được thì đủ vốn còn không thì thua lỗ hết”, ông Thiện nói.
Sau sự cố môi trường biển, tháng 6 vừa qua, bà con xã Trung Hải bắt đầu thả tôm nuôi trở lại. Các hộ nuôi tôm ở đây cho biết, họ vẫn sử dụng con giống đảm bảo chất lượng tại cơ sở cung cấp giống ở tình Bình Thuận và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật đã được tập huấn. Nguồn nước được lấy từ sông Bến Hải khi thủy triều dâng đã được các ngành chức năng công bố đảm bảo an toàn. Vậy mà hơn 40 héc ta tôm nuôi từ 30 đến 60 ngày tuổi đều bị bệnh gan tụy, chết, trong khi phải đến 90 ngày tuổi tôm mới cho thu hoạch.
Ông Bùi Ngọc Quyền, Phó Chủ tịch UBND xã Trung Hải, huyện Gio Linh cho biết: “Những vùng khó khăn không tiếp tục nuôi trồng được phải chuyển qua quy hoạch vùng chăn nuôi tổng hợp gia súc, chăn nuôi lợn, gà. Đề nghị chính quyền các cấp quan tâm hỗ trợ tạo điều kiện để bà con vay vốn khắc phục sản xuất mở ra chiều hướng sản xuất mới”.
Tình trạng tôm bị dịch bệnh, chết hàng loạt ảnh hưởng trực tiếp đời sống của người dân. Bà con mong chờ ngành chức năng sớm tìm ra nguyên nhân tôm dịch bệnh chết hàng loạt. Ông Lê Văn Viễn, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị cho biết, trước mắt huyện đề nghị tỉnh cấp hóa chất, clorin giúp bà con dập dịch, hạn chế dịch bệnh lây lan và có chính sách hỗ trợ cho người nuôi tôm bị thiệt hại.
Ông Viễn nói: “Diện tích bị dịch bệnh trong năm này trên địa bàn huyện Gio Linh là tương đối nhiều. Hiện đang làm hồ sơ gửi lên Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn hỗ trợ clorin và hỗ trợ hóa chất để dập dịch, tránh dịch lây la ra diện rộng”./.