Bebinca không phải là cơn bão mạnh (cấp 8), song do các tỉnh Đông Bắc Bộ, nơi được dự báo tâm bão đi qua, đã chủ động đối phó nên thiệt hại được giảm tới mức thấp nhất. Theo báo cáo của địa phương về Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão trung ương, thiệt hại chủ yếu là đê kè do bị bão kết hợp với triều cường đánh mạnh, thủy sản, hoa màu do ngập lụt.
Tại TP Hải Phòng, 50 m kè cầu cảng khu vực bến Béo, đảo Cát Bà; 40 m kè khu du lịch Đồ Sơn bị sạt lở. Đê kè Cát Hải bị sóng biển kết hợp triều cường tràn qua gây sạt, hư hỏng nhiều vị trí. Toàn thành phố có hơn 2.300 ha thủy sản và hơn 40 ha hoa màu bị hư hỏng do vỡ bờ, ngập lụt.
Tại Quảng Ninh, đê Hà Nam ở thị xã Quảng Yên bị sạt lở khoảng 50 m. Nước dâng do bão và triều cường đã làm tràn 70 m đê ở xã Đường Hoa, huyện Hải Hà; 50 m đê xã Tân Bình, huyện Đầm Hà và khoảng 60 m đê thuộc xã Quan Lạn, huyện Vân Đồn.
Tại Nam Định, đê biển Hải Hậu, kè biển khu du lịch Quất Lâm và kè đê tả đáy huyện Nghĩa Hưng bị sạt lở một số đoạn. Toàn tỉnh có 450 ao nuôi trồng thủy sản, 3 tỷ con ngao giống và một số giống thủy sản khác bị thiệt hại.
Tỉnh Nghệ An dù nằm xa tâm bão, nhưng là trọng điểm mưa. Tổng lượng mưa trong hai ngày 22-23/6 tại trạm đo ở Đô Lương, Cửa Hội, TP Vinh lên tới 330 mm khiến hơn 8.000 ha lúa bị ngập, hơn 500 ha hoa màu hư hỏng.
Đặc biệt, mưa xối xả đã gây lũ quét tại suối Nậm Kiên, xã Nậm Càn (Kỳ Sơn), cuốn mất tích 2 mẹ con chị Lô Thị Huế (40 tuổi) và Hoàng Gia Phúc (3 tuổi).
Theo cơ quan khí tượng, hoàn lưu sau bão sẽ gây mưa to cho các tỉnh Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ nốt hôm nay. Tuy nhiên, khả năng lũ quét và sạt lở đất ở miền núi vẫn rất cao do mưa vài ngày qua khiến mặt đất kém liên kết.
Riêng tại Hà Nội, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn trung ương cảnh báo, trong vài giờ tới sẽ tiếp tục mưa to, gây ngập khoảng 20 cm cho khu vực nội thành. Các điểm ngập sâu cần chú ý như: Lê Trọng Tấn, Giải Phóng - Pháp Vân, ngã ba Trương Định - Nguyễn Đức Cảnh, Nguyễn Khuyến, Định Công, Huỳnh Thúc Kháng, Trường Chinh - Tôn Thất Tùng, Nguyễn Thái Học, Cao Bá Quát, Tôn Đức Thắng - Văn Miếu, Nguyễn Du - Quang Trung, Ngã 5 Bà Triệu, Liên Trì - Nguyễn Gia Thiều, Thợ Nhuộm, Lĩnh Nam…
Được hình thành từ một áp thấp nhiệt đới, sáng 21/6 bão Bebinca mạnh cấp 8, hướng vào miền Bắc. Đến chiều 22/6, bão đổ bộ vào đảo Hải Nam (Trung Quốc), mạnh cấp 9. Tối cùng ngày, bão xuống vịnh Bắc Bộ, giảm một cấp và sau đó nhắm tới các tỉnh Đông Bắc Bộ của Việt Nam. Đến tối 23/6, bão đi vào Hải Phòng, Thái Bình, mạnh cấp 8. Hoàn lưu trước bão gây mưa to cho các tỉnh Bắc Trung Bộ.
Bebinca là cơn bão số 2 trên biển Đông. Dự báo năm 2013 số lượng bão và áp thấp nhiệt đới hoạt động trên biển Đông có thể tới 13 (cao hơn mức trung bình), nhưng chỉ 5-6 cơn ảnh hưởng tới đất liền Việt Nam.