Cụ thể, nếu như từ cuối năm 2014 về trước, giá cua cao và đứng ở mức 600.000 đồng/kg, đến quý I/2015 giảm còn 300.000 đồng/kg, bước sang quý II tiếp tục giảm hơn và từ tháng 7, tháng 8 đến nay giá cua chỉ còn 170.000 đồng/kg.
Ông Trần Văn Sứ, nông dân nuôi cua ở ấp Tân Thuận, xã Tân Hưng, huyện Cái Nước cho biết, gia đình ông có 1 ha đất kết hợp giữa nuôi tôm và cua. Năm 2014 gia đình ông có thu nhập trên 30 triệu đồng nhờ nuôi cua, nhưng từ đầu năm đến nay nguồn thu nhập này chỉ còn 3 triệu đồng.
Theo ông Nguyễn Văn Xài, xã Tạ An Khương, huyện Đầm Dơi, 3 năm lên tục năm nào ông cũng có thu nhập mỗi năm từ 20 triệu đồng trở lên nhờ nuôi cua, nhưng từ đầu năm đến nay không thu nhập được đồng nào.
Cua là loại thủy sản thích nghi với nước mặn và cũng là loại thủy sản có giá trị kinh tế cao. Cua được thả nuôi chung với tôm. Nuôi cua không cần cho thức ăn. Cua thả nuôi từ 3 đến 4 tháng có trọng lượng từ 3 đến 4 con/kg. Điểm nổi bật của con cua là không bị dịch bệnh, không chết như tôm, vì vậy ngày càng có nhiều người nuôi cua trên đất nuôi tôm để tăng thu nhập trên cùng một diện tích.
Ông Lý Văn Thuận, Tổng Thư ký Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản cho biết, trước đây cua bán ra ngoài tỉnh, đồng thời có một số nhà máy thử nghiệm chế biến cua để xuất khẩu, từ đó cua bị đẩy giá lên cao. Nhưng hiện nay tỉnh nào cũng nuôi cua nên cua ở Cà Mau không bán được ra ngoài tỉnh. Mặt khác, cua hiện nay xuất khẩu cũng không thuận lợi nên cua rớt giá. Tuy nhiên, cua sẽ tăng giá trở lại vì hiện nay cung không đủ cầu.
Ông Thuận cũng khuyến cáo bà con nên tiếp tục nuôi cua trên đất nuôi tôm, đây xem là hình thức sản xuất xen canh nên không cần phải đầu tư lớn, hình thức này phù hợp với điều kiện của nông dân nông thôn Cà Mau./.