Hệ đầm phá Tam Giang-Cầu Hai, tỉnh Thừa Thiên-Huế có diện tích hơn 22.000 ha, là hệ đầm phá lớn nhất Đông Nam Á. Nơi đây là nguồn sinh kế của hàng chục ngàn dân sinh sống trên sông nước và ven bờ.
Tuy nhiên, do sự đánh bắt quá mức của con người trong một thời gian dài, đặc biệt trình trạng khai thác thuỷ sản bằng xung điện, dã cào… khiến hệ sinh thái bị ảnh hưởng, nhiều loài thủy sản ở vùng đầm phá này cạn kiệt và mất dần.
Những năm gần đây, không ít người vì lợi nhuận cá nhân mà sử dụng phương tiện đánh bắt mang tính hủy diệt, càn quét như: đánh bắt bằng xung điện, giã cào, lưới quét... làm cạn kiệt nguồn thuỷ sản trên phá Tam Giang. Ông Hà Văn Dân, ở thôn Phước Lập, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền cho hay, cả thôn có gần 200 hộ dân sống dựa vào nuôi trồng thủy sản và chài lưới trên phá Tam Giang. Hiện nay, lượng cá tôm trên phá Tam Giang đã giảm dần khiến cuộc sống của ngư dân gặp rất nhiều khó khăn.
“Nếu nghiêm cấm triệt để thì hệ sinh thái mới ổn định. Vào mùa này, ngư dân ở đây không có nguồn lợi để khai thác, vì những con cá như cá đối nhọn, cá rằn, cá cồi, cá giầy... sống ở nước ngọt bị khai thác hết. Đêm nào cũng bị khai thác” – ông Dân nói.
Vùng đầm phá Tam Giang qua huyện Quảng Điền được xem là điểm nóng của việc khai thác thuỷ sản bằng xung điện. Ngoài tàn phá các khu bảo vệ thủy sản, những người đánh bắt bằng xung điện còn ngang nhiên vào đánh bắt tận diệt tại các hồ nuôi của ngư dân. Nạn đánh bắt bằng xung điện hoành hành đã khiến người đánh bắt và nuôi trồng thủy sản ở đây bị ảnh hưởng nặng nề, môi trường sinh thái đầm phá bị hủy hoại nghiêm trọng. Trong lúc đó, việc truy bắt, xử lý các đối tượng gặp rất nhiều khó khăn do các địa phương thiếu cả lực lượng lẫn phương tiện.
Ông Nguyễn Văn Tiến, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết: “Phá Tam Giang rất rộng nhưng lực lượng, phương tiện, điều kiện để thực hiện tốt công tác quản lý trên đầm phá còn hạn chế. Cần phải tổ chức lại công tác quản lý, đầu tư thêm phương tiện, lực lượng để bảo vệ tốt đầm phá Tam Giang. Tăng cường công tác tuần tra, xử lý nghiêm các đối tượng khai thác hủy diệt”.
Tương tự các làng ngư ven phá Tam Giang- Cầu Hai tỉnh Thừa Thiên-Huế đang rơi vào tỉnh cảnh khó khăn do cá tôm ngày càng cạn kiệt, bởi nạn đánh bắt hủy diệt liên tục hoành hành. Trước thực trạng này, UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế đã yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo và phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
Từ đầu năm 2017 đến nay, lực lượng kiểm ngư tỉnh Thừa Thiên-Huế đã triển khai 10 đợt tuần tra tại vùng đầm phá Tam Giang, nhưng mới ngăn chặn và xử lý 17 trường hợp vi phạm hành chính, xử phạt số tiền 24 triệu đồng, tịch thu 18 bộ kích điện, 28 bình điện.
Công an xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên-Huế tịch thu hàng chục bộ kích điện của các đối tượng khai thác trái phép trên phá Tam Giang
Ông Nguyễn Quang Vinh Bình, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản tỉnh Thừa Thiên-Huế cho rằng, việc phòng chống khai thác huỷ diệt phá hoại nguồn lợi thủy sản được xem là công tác lâu dài, hiện chưa thể ngăn chặn triệt để.
“Cộng đồng ngư dân cũng không quản lý hết được. Ngay bản thân chi cục thanh tra chuyên ngành vẫn còn mỏng cho nên cũng chưa phòng chống tốt. Những nhóm đánh bắt hủy diệt rất là hung hản, ban đêm nó tấn công cả kiểm ngư. Vấn nạn này nó tồn tai lâu dài, do đó chúng tôi cũng đề xuất bên công an làm mạnh mẽ hơn”- ông Văn Bình nói.
Hiện một số loài cá, tôm, cua... đặc thù và cho giá trị kinh tế cao ở vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai ngày một ít đi, một số loài hầu như không còn xuất hiện. Những năm gần đây, tỉnh Thừa Thiên-Huế đã thành lập hàng chục khu bảo vệ thủy sản trên vùng đầm phá Tam Giang- Cầu Hai, giao cho các chi hội nghề cá ở các địa phương bảo vệ để khôi phục lại hệ sinh thái, tạo bãi giống, bãi đẻ cho các loài thủy sản, thế nhưng tình trạng đánh bắt trộm và đánh bắt hủy diệt vẫn đang là vấn đề nhức nhối hiện nay.