Thứ 1, nhóm liên quan đến thuế GTGT: Bổ sung các sản phẩm không phải kê khai, nộp thuế GTGT như: Sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường của tổ chức, cá nhân tự sản xuất, đánh bắt bán ra và ở khâu nhập khẩu; Doanh nghiệp, hợp tác xã mua sản phẩm trồng trọt, chăn nuôi, thuỷ sản nuôi trồng, đánh bắt chưa chế biến thành các sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường bán cho doanh nghiệp, hợp tác xã khác...
Đối với hoàn thuế GTGT: Cơ sở kinh doanh trong tháng, quý có hàng hóa, dịch vụ xuất khẩu nếu có số thuế GTGT đầu vào chưa được khấu trừ từ ba trăm triệu đồng trở lên thì được hoàn thuế giá trị gia tăng theo tháng, quý, trừ trường hợp hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật Hải quan.
Thực hiện hoàn thuế trước, kiểm tra sau đối với người nộp thuế sản xuất hàng hóa xuất khẩu không vi phạm pháp luật về thuế, hải quan trong thời gian hai năm liên tục; người nộp thuế không thuộc đối tượng rủi ro cao theo quy định của Luật quản lý thuế.
Thứ hai, nhóm liên quan đến thuế TTĐB: Sửa đổi mức thuế đối mặt hàng xe ô tô dưới 24 chỗ: Cụ thể, với xe ô tô chở người từ 9 chỗ trở xuống: Loại có dung tích xi lanh từ 1.500 cm3 trở xuống, từ ngày 1-7-2016 đến hết ngày 31-12-2017 có mức thuế suất 40%, từ ngày 1-1-2018, có mức thuế suất 35%; Loại có dung tích xi lanh trên 1.500 cm3 đến 2.000 cm3, từ ngày 1-7-2016 đến hết ngày 31- 12- 2017 có mức thuế 45% và từ 1-1-2018 giảm về 40%; Loại có dung tích xi lanh trên 2.000 cm3 đến 2.500 cm3 có thuế suất là 50%; Loại có dung tích xi lanh trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3, từ ngày 1-7-2016 đến 31-12-2017 có thuế suất 55% và từ 1-1-2018 tăng lên 60%; Loại có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 đến 4.000 cm3 có mức thuế suất 90%; Loại có dung tích xi lanh trên 4.000 cm3 đến 5.000 cm3 là 110%; Loại có dung tích xi lanh trên 5.000 cm3 đến 6.000 cm3 là 130%; Loại có dung tích xi lanh trên 6.000 cm3 là 150%.
Đối với xe ô tô vừa chở người, vừa chở hàng: Loại có dung tích xi lanh từ 2.500 cm3 trở xuống, có mức thuế suất 15%; Loại có dung tích xi lanh trên 2.500 cm3 đến 3.000 cm3 , mức thuế 20% và Loại có dung tích xi lanh trên 3.000 cm3 là 25%.
Đối với xe ô tô chạy bằng xăng kết hợp năng lượng điện, năng lượng sinh học, trong đó tỷ trọng xăng sử dụng không quá 70% số năng lượng sử dụng thì mức thuế suất bằng 70% mức thuế suất áp dụng cho xe cùng loại; Xe ô tô chạy bằng năng lượng sinh học, mức thuế suất bằng 50% mức thuế suất áp dụng cho xe cùng loại.
Đối với xe ô tô chạy bằng điện: Loại chở người từ 9 chỗ trở xuống, có mức thuế suất 15%; Loại chở người từ 10 đến dưới 16 chỗ là 10%; Loại chở người từ 16 đến dưới 24 chỗ là 5%; Loại thiết kế vừa chở người, vừa chở hàng là 10%.
Đối với xe mô-tô-hôm (motorhome) không phân biệt dung tích xi lanh, từ ngày 1-7-2016 hết ngày 31-12-2017 là 70% và từ 1-1-2018 tăng lên 75%.
Thứ 3, liên quan đến quản lý thuế: Miễn thuế, giảm thuế với các trường hợp thuộc diện miễn thuế, giảm thuế được quy định tại các văn bản pháp luật về thuế và miễn thuế đối với hộ gia đình, cá nhân có số thuế sử dụng đất phi nông nghiệp phải nộp hằng năm từ 50 nghìn đồng trở xuống.
Chưa thực hiện biện pháp cưỡng chế thuế đối với trường hợp người nộp thuế được cơ quan quản lý thuế cho phép nộp dần tiền nợ thuế trong thời hạn không quá mười hai tháng, kể từ ngày bắt đầu của thời hạn cưỡng chế thuế.
Việc nộp dần tiền nợ thuế được xem xét trên cơ sở đề nghị của người nộp thuế và phải có bảo lãnh của tổ chức tín dụng. Người nộp thuế phải nộp tiền chậm nộp theo mức 0,03%/ngày tính trên số tiền thuế chậm nộp.