Hơn chục năm trước, người dân thôn Đông Hải sinh sống chủ yếu bằng việc nuôi trồng thủy hải sản ở ven đầm Cầu Hai và đánh bắt gần bờ bằng phương tiện thô sơ. Cuộc sống của người dân lúc đó còn nghèo khổ, không dám mơ đến việc xây nhà lầu, mua xe. Đến năm 2008, một vài hộ dân “liều” nghĩ đến việc vay tiền để trang bị phương tiện đánh bắt hiện đại, vươn xa bám biển làm giàu. Cứthế, người này ăn nên làm ra thì người khác cũng nhìn theo mà làm. Đến nay toàn bộ thôn Đông Hải đã có hơn 100 chiếc tàu cá, trong đó có 35 tàu có công suất lớn có trị giá từ 1,2 - 2 tỷ đồng/chiếc. Đây là một trong những địa phương (cùng với thị trấn Phú Lộc) có phương tiện đánh bắt xa bờ chủ yếu của huyện Phú Lộc.
Ông Trần Vẹm đã ngoài 60 tuổi nhưng vẫn còn rất mạnh khỏe. Không mạnh khỏe sao được khi trong tay ông đang sở hữu 6 tàu cá đánh bắt xa bờ với công suất trung bình đến 250CV. Những chiếc tàu này, ông Vẹm giao cho các con trai và con rể để vượt biển làm giàu. Mỗi năm, với số lượng tàu nói trên, gia đình ông Vẹm thu lãi hơn cả tỷ đồng. Đó là một nguồn thu nhập khổng lồ của nhiều người dân quê.
Cách nhà ông Vẹm không xa là ngôi nhà lầu khang trang của ngư dân Trần Thoạn. Cũng nhờ tính chịu khó và chịu khổ mà ông Thoạn đã mạnh dạn vay mượn để đầu tư phương tiện đánh bắt hiện đại, vươn lên làm giàu. Hiện ông đang có 2 chiếc tàu (công suất 160CV và 250CV) đánh bắt xa bờ trị giá gần 3 tỷ đồng. Trừ chi phí, hao hụt ngày mưa bão thì mỗi năm gia đình ông cũng lãi gần 500 triệu đồng. Ngôi nhà mới của ông - nằm ngay cạnh con đường chính dẫn vào thôn Đông Hải - trị giá đến gần 700 triệu đồng. Nỗ lực vươn lên thoát nghèo của ông Thoạn là một trong những tấm gương mà người dân vùng quê nghèo này học hỏi. Ông kể, trước đây gia đình ông sống rất nghèo khó bởi thu nhập ít ỏi từ những phương tiện đánh bắt nhỏ, lạc hậu. Đến năm 2008, ông vay mượn khắp nơi để đóng được chiếc tàu công suất 160CV, chẳng ngờ đóng xong thì việc làm ăn phất lên nhanh chóng. Hai năm sau, ông lại đầu tư đóng thêm chiếc tàu mới lớn hơn, vươn khơi xa hơn…
Ngoài ông Vẹm, ông Thoạn, phải kể đến những ngư dân tỉ phú như ông Lê Thương, Trần Hòa, Văn Thanh… Họ cũng chính là những người tham gia thực hiện chủ trương huy động ngư dân tham gia đánh bắt trên những vùng biển xa để bảo vệ chủ quyền biển đảo của tỉnh Thừa Thiên - Huế.
Những ngư dân ở Đông Hải “ăn nên làm ra” không chỉ nhờ tính chịu khó mà còn là sự đoàn kết, chia sẻ những thông tin làm ăn trên biển. Trong số đoàn tàu đánh bắt xa bờ của thôn, có nhiều tàu kiêm luôn cả dịch vụ hậu cần nghề cá trên. Những chiếc tàu này sẽ thu mua cá của các tàu còn lại để đưa vào bờ bán, và chuyển lại xăng dầu, nước, lương thực phẩm cho những tàu ở lại trên biển tiếp tục đánh cá. Các tàu trong thôn cũng thực hiện chủ trương “đi cặp” - tức là 2 tàu trở lên đi với nhau để hỗ trợ nhau về việc phát hiện đàn cá, đánh bắt cá và đưa cá về đất liền tiêu thụ; nếu tàu nào gặp sự cố hoặc tai nạn thì nhanh chóng có tàu khác ứng cứu kịp thời. Việc hỗ trợ này tạo sự an tâm cho những người bám biển, góp phần tăng nguồn thu cho mỗi tàu.
Ông Trần Xuân Diệu, chủ tịch UBND xã Lộc Trì vui mừng khoe: “Hiện cả thôn Đông Hải đã có hơn 20 tỷ phú nhờ ra khơi bám biển. Ông Diệu kể, từ đời sống nghèo khó nhiều ngư dân đã trở nên khấm khá. Nhiều gia đình đã xây dựng nhà mới khang trang, con cái được học hành tử tế hơn, bộ mặt của thôn xóm cũng thay đổi từng ngày…