Những ngày giáp tết, chúng tôi có dịp tháp tùng với đoàn công tác của UBND tỉnh Cà Mau đi thực tế khảo sát một số mô hình sản xuất hiệu quả trên địa bàn xã Hàm Rồng và Hàng Vịnh. Điểm đầu tiên dừng chân là gia đình anh Võ Văn Gòm, ấp Chống Mỹ B, xã Hàm Rồng. Anh được xem là một trong những người điển hình và có bề dày kinh nghiệm ở địa phương trong phát triển kinh tế.
Với diện tích 4,5 ha, anh Gòm thực hiện mô hình tôm - cua - sò huyết kết hợp và đã thành công gần 10 năm trở lại đây. Mỗi năm lợi nhuận từ cua trên 100 triệu đồng, tôm khoảng 150 triệu đồng, riêng việc thu nhập từ sò huyết cao gấp 2-3 lần con tôm, khoảng 400-500 triệu đồng/năm.
Anh Gòm cho rằng, để trong vuông có đủ 3 đối tượng nuôi là tôm, cua và sò huyết, phải lựa chọn phù hợp cho thời vụ của từng loại. Bởi, nếu rủi ro, thất thu con này thì còn con khác kéo lại.
Đặc biệt, nói về kinh nghiệm nuôi sò, anh cho biết: “Mỗi năm thả trung bình khoảng 1 tấn sò giống, loại 500 con/kg, thả đều trong vuông tôm, mực nước lúc này khoảng 3 tấc. Sau vài ngày, khi con giống thích nghi với môi trường thì để mực nước tốt nhất khoảng 7 tấc. Sau 8 tháng, sò có trọng lượng từ 60-80 con/kg bắt đầu thu hoạch. Về nguồn giống thì tuỳ theo từng vụ chọn giống ở các địa phương khác nhau và cần chú trọng khâu này. Trước khi thả giống phải lấy mẫu về thả trong vuông khoảng 3 ngày, kiểm tra nếu tỷ lệ sống gần bằng hoặc 100% thì mới thả, tuyệt đối không thả nếu tỷ lệ hao hụt từ 20-30%”.
Anh Nguyễn Minh Nhân, Ấp 4, là 1 trong 5 hộ dân thử nghiệm mô hình nuôi tôm tích đầu tiên của xã Hàng Vịnh. Cách đây trên 1 tháng, anh mua 100 con giống tôm tích về thả trong lồng bằng vỏ nhựa, mỗi ngày cho ăn 1 lần, thức ăn bằng cá vụn trong vuông. Hiện tại tôm đang phát triển tốt, ước khoảng 2 tháng nữa tôm sẽ đạt trọng lượng 150 g, giá bán thị trường trên 1 triệu đồng/kg, anh sẽ thu về 15 triệu đồng. Do vụ đầu ngoài tiền con giống, anh mua vật dụng để thực hiện mô hình nên lợi nhuận đạt 50/50. Lợi thế của mô hình này là không đòi hỏi nhiều vốn, tỷ lệ hao hụt ít, công chăm sóc dễ dàng, chủ yếu là tận dụng thời gian nhàn rỗi và cũng không đòi hỏi nhiều về khoa học - kỹ thuật.
Anh Nguyễn Minh Nhân đúc kết: “Tôi sử dụng ống nhựa (loại 60) cắt khoảng hơn 2 tấc bỏ vào lồng cho con tôm lúc lột xác chui vào, sẽ không bị cua móc ăn. Đồng thời còn tránh được ánh nắng mặt trời, phù hợp với đặc tính sinh học của nó, bởi vì tôm tích là loại sống ở hang”.
Còn ông Lý Ngọc Quang, Ấp 3, xã Hàng Vịnh thì thành công với mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến 2 giai đoạn. Với diện tích 6 ha, mỗi năm ông thu nhập từ tôm khoảng 300-400 triệu đồng. Để có quả ngọt như ngày nay, ông Quang không ngừng tìm tòi, nghiên cứu thiết kế mô hình và cải tiến cách nuôi.
Với diện tích đất của gia đình, ông Quang chia ra làm 2 phần và làm cống ở giữa để điều tiết nước vuông tôm hàng ngày cho phù hợp. Khi lựa chọn được con giống, ông làm mành thả vào khoảng 20 ngày tuổi, lúc này tỷ lệ sống khoảng 85% thì cho ra vuông, khoảng 2,5 tháng ông tháo cống cho tôm qua phần vuông bên cạnh, đến 4 tháng bắt đầu thu hoạch.
Ông Lý Ngọc Quang chia sẻ: “Đem khoảng 100-200 con giống về thả thử, nếu con giống không bị sốc nước hay chết thì mình mua về thả".
Hiện nay, các mô hình mới phát sinh trong dân ở huyện Năm Căn bước đầu hiệu quả như: Ươm dèo cua giống, ươm nuôi sò huyết, nuôi tôm tích, trồng rau sạch…, các mô hình này lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Với bản tính cần cù, chịu khó, năng động, sáng tạo, đặc biệt là với bề dày kinh nghiệm của mình, nhiều nông dân trên địa bàn huyện Năm Căn đã và đang tiên phong tìm ra những mô hình mới, cách làm hay để làm giàu cho gia đình và sẵn sàng san sẻ, học tập nhau trong sản xuất. Đây là nhân tố quan trọng để huyện Năm Căn tiếp tục nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả, đưa kinh tế địa phương ngày càng đi lên.