Trúng lớn nhờ… “tàu sáu bảy”
Mới đây, tàu cá vỏ thép mang tên Xuân Thành 1, số hiệu PY-99999TS của ngư dân Ngô Văn Lanh ở thị xã Sông Cầu (Phú Yên), đã cập bến sau hơn hai tuần lênh đênh trên biển. Thành quả lao động của ông Lanh và bạn thuyền của mình sau những ngày vươn khơi, bám biển là 16 tấn hải sản, với giá trị khoảng 300 triệu đồng, trừ hết các phí tổn, ông Lanh cùng các bạn thuyền của mình còn lãi 200 triệu đồng…
Tàu vỏ thép Xuân Thành 1 của ngư dân Ngô Văn Lanh
Ngày cập bến của tàu Xuân Thành 1 gây được sự chú ý của nhiều người, bởi đây là tàu cá vỏ thép của ngư dân đầu tiên ở Phú Yên, đóng mới theo Nghị định 67/2014/NÐ-CP (NĐ 67) của Chính phủ. Con tàu vỏ thép hiện đại này có kinh phí hơn 16,5 tỷ đồng. Trong đó, BIDV Phú Yên cho vay 95% giá trị tàu.
Theo đánh giá của nhiều người, đây là một trong những con tàu thép hiện đại của ngư dân miền Trung hiện nay. Theo đó, tàu có công suất lên đến 800CV, dài 26m, rộng 7,3m, cao 3,3m, tốc độ khoảng 11,5 hải lý/giờ, được thiết kế để hành nghề lưới chụp. Xuân Thành 1 có nhiều thiết bị hàng hải hiện đại như radar, định vị toàn cầu, bản đồ số, khoang bảo quản lạnh cách nhiệt bằng PU bọc inox…
Với những trang bị hiện đại, Xuân Thành 1 có khả năng hoạt động trên biển với cấp sóng 8, thời gian liên tục hơn 30 ngày… Từ niềm vui sở hữu con tàu “khủng”, ông Ngô Văn Lanh tâm sự, ra biển đánh bắt trên chiếc tàu thép vững chãi, anh em bạn thuyền thấy vững tin hơn. Cho dù gặp hôm gió mùa thổi, biển động mạnh, tàu vẫn chạy khỏe không phải trú tránh như tàu gỗ.
Những quyết tâm vay vốn theo NĐ 67 để đóng tàu to, máy lớn, giờ đã mang lại những niềm vui cho gia đình ngư dân này. Ông Lanh cho biết thêm, từ những thành công của Xuân Thành 1, trong thời gian tới gia đình sẽ tiếp tục “gõ cửa” ngân hàng để đóng thêm một tàu vỏ thép mới có công suất lớn và hiện đại tương tự.
Cùng chung niềm vui từ “tàu sáu bảy” như ông Lanh ở Phú Yên còn có một số chủ tàu khác. Theo đó, 4 tàu cá vỏ gỗ khác của ngư dân địa phương vừa được đóng mới theo NĐ 67, cũng đã thực hiện những chuyến biển đầu tiên với nghề lưới vây. Tất cả đều có lãi và đang tiếp tục vươn khơi.
4 tàu cá vỏ gỗ được đóng mới theo NĐ 67 đều của ngư dân ở Tổ sản xuất Hưng Thịnh (TP. Tuy Hòa). Ngư dân Lê Thái Bình, một thành viên của tổ chia sẻ, các tàu trong tổ đều có công suất từ 400-713CV, chuyên khai thác vùng biển xa. Những chuyến đi biển đầu tiên với “tàu sáu bảy”, mặc dù thời tiết không thuận nhưng trừ hết phí tổn anh em vẫn còn lời. Hy vọng, với những chuyến biển sau khi đã quen máy, quen tàu mọi việc sẽ thuận buồm xuôi gió, tôm cá đầy khoang hơn…
Nỗ lực tháo gỡ “điểm nghẽn”
Phú Yên - một trong những địa phương có số lượng tàu thuyền đánh bắt xa bờ lớn của cả nước. Đặc biệt, địa phương có đội tàu cá chuyên hành nghề câu cá ngừ đại dương ở các vùng biển thuộc quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Kể từ khi NĐ 67 có hiệu lực, (tháng 8/2014) đến nay ngành Ngân hàng trên địa bàn Phú Yên đã nỗ lực vào cuộc.
Theo đó, đến nay UBND tỉnh Phú Yên đã phê duyệt 65 chủ tàu cá đủ điều kiện vay vốn đóng mới, nâng cấp, cải hoán và vay vốn lưu động. Các TCTD đã ký hợp đồng tín dụng với 9 chủ tàu, số tiền cam kết cho vay 102,677 tỷ đồng, đã giải ngân được 53,788 tỷ đồng. Ngoài ra, còn cho 36 lượt khách hàng vay vốn lưu động với số tiền 5,819 tỷ đồng…
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Văn Hàn, Giám đốc NHNN chi nhánh Phú Yên, trong thực tế cũng như nhiều địa phương khác, việc triển khai thực hiện NĐ 67 ở Phú Yên vẫn còn những khó khăn.
Nổi lên là việc phần lớn ngư dân còn thiếu vốn đối ứng không đủ điều kiện vay vốn; Ngư dân ký hợp đồng đóng tàu, mua máy tàu, vật tư đều phải nộp thuế giá trị gia tăng làm tăng giá thành và nợ vay; Khâu thẩm định tàu cá đủ điều kiện vay vốn giữa các cơ quan chuyên môn chưa chặt chẽ; đặc biệt một số bà con chưa có kinh nghiệm đóng tàu lớn khai thác khơi xa…
Để hỗ trợ bà con ngư dân, ông Lê Minh Phương, Giám đốc BIDV Phú Yên cho biết, ngay từ khi NĐ 67 có hiệu lực, chi nhánh tích cực phối hợp với các sở, ban ngành, địa phương trên địa bàn trao đổi thông tin để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. BIDV Phú Yên đã thành lập Tổ triển khai chương trình tín dụng hỗ trợ khai thác thủy hải sản xa bờ do giám đốc chi nhánh làm tổ trưởng.
Từ đó, cán bộ tín dụng chủ động tiếp cận với những chủ tàu có nhu cầu vay vốn để hướng dẫn họ hoàn thiện hồ sơ, thủ tục, đảm bảo đơn giản, công khai và minh bạch, cam kết không để xảy ra hiện tượng nhũng nhiều hay “cò tín dụng”… Trong quá trình làm hồ sơ, chi nhánh còn giới thiệu cơ sở đóng tàu uy tín, có mức giá phù hợp, đảm bảo chất lượng để ngư dân lựa chọn.
Theo đó, chi nhánh tạo điều kiện cho 22 khách hàng là ngư dân, đại diện một số DN đi tham quan quy trình đóng tàu vỏ sắt tại Công ty TNHH Nhà máy Tàu biển Hyundai Vinashin (Khánh Hòa); tham dự buổi giới thiệu về nghiệp vụ thuyền viên tại Đại học Thủy sản Nha Trang...
Song song, với việc đẩy mạnh thực hiện NĐ 67, BIDV Phú Yên còn tích cực triển khai các gói tín dụng khác để hỗ trợ ngành thủy sản phát triển như gói 2.000 tỷ đồng cho vay ngắn hạn đối với DN thi công đóng tàu; 4.500 tỷ đồng hỗ trợ phát triển nuôi trồng, sản xuất giống, chế biến thủy hải sản; 500 tỷ đồng gia tăng năng lực chế biến cá ngừ đại dương…
Trở lại với câu chuyện của tàu cá vỏ thép mang tên Xuân Thành 1, ông Lanh khẳng định nếu không có sự tận tâm, nỗ lực của các cán bộ tín dụng, ước mơ sở hữu tàu thép của gia đình khó thành hiện thực.
Có thể nói, những thông tin về “tàu sáu bảy” khai thác hiệu quả, cùng với những nỗ lực của ngành Ngân hàng trên địa bàn sẽ tiếp tục thắp lên những hy vọng cho nhiều ngư dân địa phương, trước quyết định vay vốn sắm tàu to, máy lớn vươn khơi, làm giàu từ biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.