Theo ông Vũ Minh Hoàng, Chi cục Phó Chi cục Thủy sản tỉnh Ninh Bình: Trước hiện tượng cá nuôi ở xã Gia Thủy, huyện Nho Quan bị chết hàng loạt với các dấu hiệu như: Vây cá bị mòn, rách; thân cá không có nhớt, khô ráp, mang cá bị dính bùn, thối và có màu sắc nhợt nhạt; gan cá có màu trắng nhợt, thận bị sưng to; Chi cục Thủy sản đã lấy mẫu nước gửi đi xét nghiệm tại Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I. Kết quả xét nghiệm cho thấy, hàm lượng vi khuẩn tổng số trong môi trường nước tại các đầm nuôi có cá chết ở khu vực này cao hơn trên 7.000 lần so với mức cho phép; hàm lượng tảo độc trong đầm nuôi cũng cao hơn mức quy định, dẫn đến việc cá nuôi bị bệnh xuất huyết gan, thận, mang và chết hàng loạt.
Cũng theo ông Hoàng, công tác cải tạo, vệ sinh ao đầm trước khi xuống giống của bà con chưa tuân thủ đúng quy trình kỹ thuật; việc tận dụng diện tích mặt nước để nuôi vịt trong khi đầm nuôi không được thay nước thường xuyên nên chất thải từ phân vịt tích tụ đã làm ô nhiễm môi trường nước trong đầm nuôi, tạo điều kiện cho tảo độc và vi khuẩn Aeromonas Colicicola phát triển gây hại cho cá. Bên cạnh đó, sự biến động của thời tiết do ảnh hưởng của bão số 5 và số 6 đã tạo môi trường thuận lợi dẫn đến phát sinh dịch bệnh ảnh hưởng đến cá nuôi.
Chi cục đã cử cán bộ xuống cơ sở, hướng dẫn bà con sử dụng thuốc khử trùng Vicato để xử lý môi trường nước bằng cách phun trực tiếp xuống đầm; dùng vitaminC trộn lẫn vào thức ăn với liều lượng 30mg/kg trọng lượng cá/ngày để tăng sức đề kháng cho cá. Đồng thời, hướng dẫn người dân tập trung xử lý ô nhiễm môi trường đầm nuôi để hạn chế tỷ lệ cá chết, triển khai phương án thả bổ sung một số giống cá phù hợp.