Việc thực hiện quy trình nuôi trồng sạch đến kiểm soát chất lượng thủy sản trước khi xuất khẩu phải là những giải pháp căn cơ trong giai đoạn này.
Dấu hỏi chất lượng thủy sản
Ngay đầu năm 2017, Đài truyền hình Cuatro TV, Tây Ban Nha đã phát sóng chương trình “El Punto de Mira” với nội dung cho rằng việc nuôi cá tra ở Việt Nam trên dòng sông Mekong không đảm bảo đúng quy trình, cá thành phẩm có chất lượng không an toàn đối với sức khỏe người tiêu dùng. Sau phóng sự này, chuỗi siêu thị bán lẻ châu Âu Carrefour đã tuyên bố sẽ ngừng bán cá tra tại các cửa hàng của Tây Ban Nha và Bỉ, cũng như trên các quầy tươi ở Pháp, mặc dù EU đảm bảo không có vấn đề về sức khỏe với việc ăn cá.
Trước sự việc này, các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra Việt Nam không khỏi bất bình và lo lắng. Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam, các tổ chức chứng nhận quốc tế về chất lượng và môi trường như: BAP, ASC cũng đã lên tiếng không tán thành việc này.
Tuy nhiên, việc cá tra Việt Nam bị truyền thông phương Tây “tố” để từ đó dẫn tới những lệnh ngừng bán đã cho thấy: dù ngành nuôi trồng cá tra đã phát triển đến mức chuyên nghiệp hóa và chất lượng sản phẩm đã được nhiều tổ chức quốc tế chứng nhận, nhưng trên thực tế vẫn còn một số cá nhân, doanh nghiệp thực hiện nuôi trồng không đảm bảo kỹ thuật, vệ sinh ao trại không đảm bảo, sử dụng nhiều chất kháng sinh, sản phẩm cuối không “sạch”… vô hình trung đã trở thành “con sâu làm rầu nồi canh”.
Minh chứng rõ nhất, theo ông lời Lê Anh Ngọc, Phó Trưởng phòng phụ trách Quản lý Chất lượng Nông Lâm và Thủy sản (Bộ NN&PTNT), khi trả lời báo chí hồi đầu năm 2017 cho biết: Trong số 2.724 mẫu thủy sản nuôi được đơn vị này lấy và xét ngiệm, đã phát hiện 31 mẫu chứa dư lượng hóa chất kháng sinh cấm hoặc dư lượng kháng sinh hạn chế vượt mức giới hạn tối đa cho phép. Đơn vị này cũng đã nhận được thông tin cảnh báo về một số lô hàng thủy sản xuất khẩu của Việt Nam không đảm bảo an toàn thực phẩm từ bạn hàng các nước. Trong đó, thông tin từ Nhật Bản có 24 lô hàng, Liên minh châu Âu - EU có 11 lô, Úc có 3 lô và Hàn Quốc có 2 lô.
Còn theo bà Chu Vân Hải, Giám đốc Trung tâm dịch vụ phân tích thí nghiệm TPHCM – CASE (Trực thuộc Sở KH-CN TPHCM), qua kết quả phân tích cho thấy, những loại kháng sinh thường tồn dư trong thủy sản, đặc biệt là con tôm nhiều phải kể đến như Enrofloxacin, Oxytetracycline, Chloramphenicol, Malachite Green, Ciprofloxacin, Sulfonamides, Nitrofurans… Đây là những chất độc hại, có thể gây nên mù lòa vĩnh viễn, thiếu máu, dị ứng đường tiêu hóa… Nếu tích tụ lâu ngày gây cản trở cho việc điều trị bệnh bằng kháng sinh, cũng như có thể gây đột biến, ung thư…
Chỉ có quyết liệt trong kiểm soát mới đảm bảo chất lượng
Bà Chu Vân Hải cho rằng, hoàn toàn không thể phân biệt được tôm thường và tôm có dư lượng kháng sinh bằng mắt thường, mà phải qua các phương pháp phân tích tại phòng thí nghiệm hoặc các bộ test kit nhanh.
Tại CASE hiện nay đang áp dụng những quy trình phân tích thử nghiệm theo tiêu chuẩn ISO/IEC 17025:2005 về hệ thống quản lý chất lượng áp dụng chuyên biệt cho hệ thống phòng thí nghiệm và hiệu chuẩn; phương pháp có độ tin cậy cao vì chúng tôi thường xuyên tham gia chương trình thử nghiệm thành thạo, so sánh liên phòng từ các chương trình uy tín và chất lượng như FAPAS, APLAC, VINALAB,… và các cục, bộ chuyên ngành liên quan, để cho kết quả có hay không có dư lượng kháng sinh trong thủy sản nhanh và chính xác nhất.
Theo các tài liệu hiện nay, quy trình chung cho việc nuôi trồng thủy hải sản sạch phải đảm bảo kỹ thuật ở các bước: chọn lựa ao và mùa vụ; hệ thống cống, cải tạo và xử lý ao nuôi, xử lý gây màu nước phù hợp; chọn lựa giống, mật độ và thức ăn; chăm sóc trong quá trình nuôi. Nếu có khác thì khác ở khâu chăm sóc, cách sử dụng kháng sinh cho vật nuôi. Thường các loại kháng sinh phải ngưng sử dụng thuốc ít nhất 28 ngày trước khi thu hoạch (theo cách sử dụng sản phẩm Bayer VietNam) nhưng đối với thủy sản bị bệnh trước khi bán, nhiều hộ đã rút ngắn số ngày này.
Để lượng thuốc kháng sinh trong thủy hải sản luôn ở mức cho phép, theo bà Chu Vân Hải, cần sử dụng kháng sinh sao cho hợp lý và hiệu quả, đúng lúc, đúng liều, đúng thuốc và an toàn.
“Chúng ta phải xem kháng sinh là hàng rào phòng thủ cuối cùng chứ không nên xem là biện pháp phòng bệnh. Đồng thời, việc quản lý chặt đầu vào các loại kháng sinh, tăng cường hoạt động truyền thông về vệ sinh an toàn thực phẩm, nhấn mạnh đến tác hại của những loại hóa chất, kháng sinh cấm đến người nuôi thủy sản và các đối tượng có liên quan như sản xuất, kinh doanh là những yêu cầu bắt buộc.
Chỉ có kiểm soát chặt chẽ mới đảm bảo chất lượng và uy tín cho thủy sản Việt Nam, đặc biệt trong khâu đảm bảo nguyên liệu đầu vào, sản phẩm đầu ra trên các thiết bị hiện đại như hệ thống sắc ký lỏng ghép khối phổ bằng hệ thống các phòng thí nghiệm đã được các bộ ngành chỉ định, trong đó CASE là một trong những phòng thí nghiệm đã được chỉ định từ các bộ, ngành”, bà Chu Vân Hải khẳng định.