Mặc dù các cơ quan từ Trung ương đến địa phương đã triển khai nhiều hình thức, tiến hành các đợt cao điểm thanh tra, vận động các cơ sở, doanh nghiệp kinh doanh ký cam kết “Nói không với tôm có chứa tạp chất”, song nạn bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu và SXKD sản phẩm tôm có tạp chất vẫn tồn tại dai dẳng…
Theo báo cáo mới đây của Bộ NN-PTNT: Trong 2 năm (2017, 2018), Bộ NN-PTNT đã chủ trì phối hợp với các cơ quan thuộc Bộ Công an thành lập đoàn công tác liên ngành kiểm tra đột xuất 15 cơ sở SXKD tôm tại Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, Thanh Hóa, Hà Nội. Qua đó, đã phát hiện, bắt quả tang và xử lý 8 cơ sở thu mua, sơ chế; 2 doanh nghiệp chế biến tôm có chứa tạp chất, tổng số tiền xử phạt gần 500 triệu đồng.
Riêng đối với 4 tỉnh trọng điểm: Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Kiên Giang, các đoàn kiểm tra liên ngành ở các tỉnh này đã mở 542 đợt kiểm tra, qua đó đã phát hiện hơn 177 cơ sở, doanh nghiệp vi phạm với hơn 30.807 tấn tôm có chứa tạp chất được thu giữ, với tổng số tiền xử phạt hơn 5.446 tỷ đồng.
Trong đó, tỉnh Bạc Liêu là địa bàn có nhiều số vụ vi phạm nhiều nhất, qua thanh tra, kiểm tra đột xuất 149 cơ sở, phát hiện có đến 87 lượt vi phạm với khối lượng trên 10,6 tấn tôm và xử phạt tổng số tiền trên 3,27 tỷ đồng.
Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Bạc Liêu phối họp với thanh tra Bộ NN-PTNT bắt quả tang một cơ sở vi phạm
Bà Phan Thị Thu Oanh, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bạc Liêu cho biết: “Mặc dù công tác ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyện liệu và SXKD tôm nguyên liệu có chứa tạp chất đã được quan tâm chỉ đạo quyết liệt. Tuy nhiên đo địa bàn rộng, các cơ sở thu mua, sơ chế nguyên liệu thủy sản nằm rải rác khắp các huyện, TX, TP trên địa bàn tỉnh; nhiều cơ sở nằm ở vùng sâu, vùng xa nên rất khó trong công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm”.
Ông Lê Văn Sử, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết: “Trong thời gian qua, chúng ta đã thấy được sự phát triển mạnh mẽ của ngành tôm ở khu vực ĐBSCL. Có thể nói, con tôm đã đóng góp không nhỏ vào sự tăng trưởng của nước ta. Song, đi kèm với sự phát triển, ngành hàng này luôn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Đó là vấn nạn bơm chích tạp chất, vận chuyển mua bán tôm tạp chất diễn ra âm ỉ ở nhiều nơi trong khu vực ĐBSCL làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của ngành hàng chủ lực này”, ông Sử quan ngại.
Ông Nguyễn Như Tiệp, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và thủy sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, hàng năm, đơn vị đều phối hợp với Thanh tra Bộ NN-PTNT, các cơ quan chức năng của Bộ Công an tổ chức đoàn liên ngành làm việc với các địa phương về tiến độ và kết quả thực hiện Đề án.
“Các cơ quan địa phương đã bước đầu triển khai có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở mua bán, kinh doanh ngành hàng tôm. Nhờ đó, số vụ vi phạm được phát hiện tăng đáng kể. Tuy nhiên, việc thực hiện chủ yếu ở Cà Mau, Bạc Liêu. Riêng Sóc Trăng không phát hiện, xử lý được trường hợp vi phạm nào.
Việc xử lý vi phạm theo quy định tại Nghị định 115/2018/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực ATTP vẫn chưa đầy đủ, chủ yếu phạt tiền, hiện chưa có thông tin nào bị áp dụng hình thức phạt bổ sung như, tước quyền sử dụng giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện về ATTP, đình chỉ hoạt động…", ông Tiệp cho biết.
Ông Phạm Tiến Dũng, Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành I, Thanh tra Bộ NN-PTNT cho biết, mặc dù năm 2018 số vụ phát hiện vụ vi phạm tôm bơm chích tạp chất vào tôm nguyên liệu và SXKD sản phẩm tôm có tạp chất có giảm hướng giảm đi, tuy nhiên về hành vi thì càng tinh vi hơn. Các đối tượng đưa tôm nguyên liệu về vùng sâu, vùng xa để thực hiện hành vi bơm chích tạp chất vào tôm, mướn người canh gác và sẵn sàn chống trả gây khó khăn cho lực lượng chức năng.
Hành vi bơm tạp chất vào tôm nguyên liệu đã làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín, hình ảnh của ngành hàng tôm Việt Nam. Do lợi nhuận “khủng” nên các cơ sở, doanh nghiệp bất chấp hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy cần kiên quyết, xử lý mạnh tay đối với các trường hợp vi phạm. Các địa phương cần đẩy mạnh hơn nữa trong công tác thanh tra, kiểm tra xử lý. Có như thế, vấn nạn này mới được kiểm soát và bị đẩy lùi.