Người nuôi nghêu cần theo dõi sát tình hình sinh trưởng và phát triển của nghêu để có biện pháp xử lý kịp thời. (Ảnh chụp tại biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông, Tiền Giang).
Theo nhiều người nuôi nghêu khu vực biển Tân Thành (huyện Gò Công Đông, Tiền Giang), trong 2 đợt nghêu chết hàng loạt năm 2010 và 2011 gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng ở địa phương này thì xuất phát điểm nghêu chết đầu tiên là ở khu vực biển Cần Giờ. Sau đó khoảng 10–20 ngày, mầm bệnh hay tác nhân gây chết nghêu (chất độc) có thể theo thủy triều tràn xuống khu vực biển Tân Thành và gây chết nghêu nơi đây.
Trong khi đó, theo thông tin từ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cần Giờ, cách đây hơn 10 ngày, nghêu nuôi khu vực biển Cần Giờ đang có hiện tượng chết bất thường. Kết quả thống kê cho thấy, đến thời điểm này nghêu chết khoảng 460 hecta với cỡ nghêu chết khoảng 60 con/kg, tỷ lệ chết 10–50% tùy khu vực.
Do đó, để chủ động đối phó với những rủi ro có thể xảy ra đối với nghêu nuôi, Chi cục Thủy sản Tiền Giang khuyến cáo bà con nuôi nghêu trên địa bàn tỉnh cần theo dõi sát tình hình sinh trưởng và phát triển của nghêu nuôi. Bên cạnh đó, theo dõi kết quả quan trắc môi trường và mầm bệnh của cơ quan chức năng (Chi cục Thủy sản, Chi cục Thú y) để có biện pháp xử lý kịp thời. Đối với nghêu nuôi đạt kích cỡ thương phẩm thì nên có kế hoạch thu hoạch sớm.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, tổng diện tích nuôi nghêu trên địa bàn tỉnh khoảng 2.300 hecta, tập trung ở 2 huyện Gò Công Đông và Tân Phú Đông. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã thả nuôi nghêu trên diện tích 889,9 hecta (huyện Gò Công Đông thả 839,9ha; huyện Tân Phú Đông thả 50ha), trong đó các hộ nuôi nghêu đã thực hiện thu hoạch tỉa những con nghêu đạt kích cỡ thương phẩm với tổng sản lượng khoảng 5.500 tấn.