Tới lớp học, nông dân được uống cà phê, nước ngọt; được phát tài liệu, hướng dẫn, chuyển giao TBKT miễn phí. Khi họ chăn nuôi thành công, trang trại của anh Sơn đảm bảo đầu ra và bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Chủ, GĐ Trung tâm hỗ trợ nông dân TP.HCM cho biết: “Anh Đoàn Kim Sơn không phải là cán bộ khuyến nông được đào tạo chính quy, nhưng rất năng động, sáng tạo và nhiệt tình. Ngoài công việc SXKD, anh thường xuyên mở các lớp hướng dẫn, tập huấn chăn nuôi, chuyển giao quy trình kỹ thuật miễn phí cho nông dân. Tháng 6 vừa qua anh Sơn phối hợp với Trung tâm mở lớp học kỹ thuật nuôi lươn đồng cho 150 nông dân các quận, huyện TP.HCM".
ĐAM MÊ LƯƠN ĐỒNG
Trao đổi với chúng tôi, anh Đoàn Kim Sơn cho biết, quê anh ở xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang lên TP.HCM để lập nghiệp. Sinh ra từ gia đình thuần nông, nhưng anh rất có duyên với nghề chăn nuôi, nhất là động vật hoang dã; đã từng thành công trong việc sinh sản ếch, kỳ đà, chồn hương, rắn ráo trâu... Mới đây anh lại thành công với mô hình nuôi lươn, cho sinh sản nhân tạo.
Anh Sơn kể: “Tôi bắt đầu nuôi lươn đồng từ năm 2004, lúc đầu cũng phải đi mua giống đánh bắt từ thiên nhiên mang về. Hồi mới vào nghề, do thiếu kinh nghiệm, chưa có kỹ thuật lươn bị chết hết. Không nản chí, tôi lặn lội đi tìm nguồn giống khác mang về để nuôi và cải tiến phương pháp cho phù hợp. Lần này thì may hơn một ít, tỷ lệ sống đạt 30%. Vẫn chưa đáp ứng được sự mong đợi, tôi lại tiếp tục mày mò tìm kiếm thông tin trên sách báo, trên mạng, học hỏi kinh nghiệm, quyết tâm theo tới cùng”.
Vừa hớp một ngụm cà phê, anh Sơn vừa kể: Chỉ tính riêng việc nuôi lươn đồng thương phẩm thôi cũng nhiều phen lên bờ xuống ruộng. Lúc thì mua phải lươn bị chích điện, lươn bị gãy xương sống yếu dần và chết, lúc thì do bị bệnh chưa tìm đươc nguyên nhân, lươn cũng bị tử vong.
Anh Sơn kiểm tra lươn giống
Khi đã có kỹ thuật rồi thì môi trường nuôi lại không đảm bảo, chính vì thế lại phải luôn thay đổi phương pháp nuôi làm sao cho phù hợp: Nào là nuôi lươn đồng trong bạt có đất, nuôi lươn trong bể có bùn, nuôi lươn trong bể bằng dây nilon, bằng cây lục bình và xếp cả gạch vào bể để nuôi lươn… Nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, năng suất chưa cao, thậm chí còn phải trả giá cho những thất bại, vừa tốn thời gian vừa tốn tiền bạc.
Anh luôn suy nghĩ thất bại là mẹ thành công, nên không bao giờ nản chí. Mãi đến năm 2010, một ngày kia khi thức dậy, anh ra khu chuồng nuôi phát hiện hàng ngàn chú lươn mới nở nhỏ li ti, tung tăng bơi lội trong những chiếc chậu nhựa.
Không giấu nổi niềm vui, anh chạy vào nhà bế vợ lên và hô to: “Mình ơi mình… đã thành công rồi!”. Thế là mơ ước của anh đã trở thành hiện thực, từ nay không còn phải lo nguồn lươn giống nữa. Anh không chỉ nuôi lươn thương phẩm giỏi mà còn là người đầu tiên ở TP.HCM sinh sản được giống lươn đồng.
CÙNG NÔNG DÂN LÀM GIÀU
Anh Sơn cho biết, vừa qua có 2 công ty bên Nhật Bản và 1 công ty bên Hàn Quốc sang tham quan và muốn ký hợp đồng mua con giống với số lượng lớn, nhưng anh không dám ký. Bởi vì hiện nay, mỗi năm trang trại chỉ SX được 30 - 32 tấn lươn giống, không đủ cung cấp cho thị trường nội địa.
“Anh thấy đấy, mỗi ngày có vài chục người tới đặt tiền cọc để mua lươn giống, tôi đều hẹn khoảng 3 - 5 tháng mới có hàng, thì làm đâu mà có lươn giống để xuất cho người ta. Nếu ký hợp đồng mua lươn thương phẩm thì tôi đủ khả năng để cung cấp" Sơn chia sẻ.
Hiện, trang trại của anh Sơn cung cấp cho thị trường nội địa và xuất khẩu khoảng 1.200 tấn lươn thương phẩm, với giá dao động từ 105.000 - 150.000 đ/kg; 32 tấn lươn giống cho nội địa, tùy theo kích cỡ có giá từ 170.000 - 370.000 đ//kg, thu nhập hàng tỷ đồng/năm.
Anh Đoàn Kim Sơn chia sẻ kỹ thuật nhân giống lươn như sau:
Nguồn lươn giống: Lươn hậu bị, lươn bố mẹ lúc nào cũng chuẩn bị một số lượng lớn ở trang trại, lươn nuôi ở môi trường không bùn, ăn sạch, ở sạch lươn rất khỏe, màu sắc đẹp, kích cỡ đồng đều không bị dị tật, tỷ lệ sống cao.
Chọn lươn nuôi đẻ: Sau khi đã nuôi thuần hóa, cuối năm thu hoạch, chọn những con lươn (tính cái) có trọng lượng khoảng 200 - 400 gr; lươn tính đực từ 400 - 600 gr, thân hình vàng óng, khỏe mạnh, không bị trầy xước, cho vào bể có bùn nuôi chung.
Cách nhận biết khi lươn gần đẻ: Bắt lươn ra, lật ngửa lên thấy bộ phận sinh dục to ra, ửng hồng, ta dùng hai ngón tay vuốt nhẹ thấy chất nhờn, có màu hơi vàng chảy ra từ bộ phận sinh dục, đây là biểu hiện lươn sắp đẻ.
Thức ăn: Chủ yếu là động vât như cá, tôm nhỏ, ếch nhái xay nhỏ. Có thể cho ăn thêm rau, bèo tây, mảnh vụn thực vật. Trước khi lươn đẻ khoảng 30 ngày, cần bổ sung thêm các loại Vitamin B1, B12… Trong thời kỳ sinh sản phải đặc biệt chú ý đến trứng lươn đẻ ra, khi lươn đẻ xong vớt trứng ra những cái chậu để ấp.
Chuẩn bị hồ cho lươn đẻ: Xây hồ lớn nhỏ tùy theo diện tích đất, có thề từ 2 - 6 m2 trở lên, xung quanh xây gạch cao từ 80 - 100 cm, tường trát xi măng thật kỹ, đáy tráng xi măng và đặt những ống để cấp thoát nước. Cho đất sét pha vào đáy bể dày khoảng 30 - 40 cm. Đáy hồ cao hơn mặt đất khoảng 10 cm, đề phòng nước mưa chảy trực tiếp vào hồ. Bơm nước vào hồ ngâm từ 2 - 3 giờ, pha thêm một chút muối, sau đó tháo hết nước ra, lại bơm nước sạch vào cứ như vậy làm khoảng 3 - 4 lần.
Thả lươn vào cho đẻ: Trước khi thả lươn vào cần cho một ít cây cải dầu, dây khoai lang, rơm khô, hay sợi nilon tước nhỏ để lươn đẻ trứng, 1 m2 thả 50 - 60 con đẻ, mỗi con lươn đẻ được từ 400 - 600 trứng. Nhiệt độ thích hợp cho trứng nở từ 26 - 28 độ C. Tỷ lệ ấp nở đạt từ 80 - 85%, tỷ lệ ương đạt 70% khi lươn mới nở vớt ra thả vào bể ương để tránh lươn mẹ ăn thịt lươn con.
Chăm sóc lươn con: Sau khi lươn nở được 3 ngày, lươn con tiêu hết noãn hoàn, bắt đầu cho ăn: 15 ngày đầu cho ăn bo bo; 2,5 tháng cho ăn trùn chỉ; từ 3 - 5 tháng cho ăn trùn quế; từ 5 - 6 tháng cho ăn cá xay (cá cơm là tốt nhất).
Từ khi nở tới lúc xuất giống khoảng 6 tháng (lươn giống loại 800 con/kg). Sau khi lươn đẻ 1 lần là không đẻ nữa, hình dáng bị thay đổi, đầu to ra. Chúng tự chuyển đổi giới tính, người dân thường gọi là lươn đực, ta chuyển qua xuất lươn thịt.
Sau nhiều năm vật lộn với nghề nuôi lươn, anh Đoàn Kim Sơn đã mày mò nghiên cứu, thành công với phương pháp nuôi lươn không bùn, giúp cho người dân có cách làm mới, tiết kiệm chi phí, rút ngắn được thời gian nuôi, hiệu quả kinh tế cao gấp 5 - 6 lần, so với cách nuôi truyền thống.
Mới đây anh lại thành công quy trình SX giống lươn đồng, cho ra đời thế hệ con giống mới, sạch bệnh, chủ động cung cấp con giống cho nhiều địa phương trong cả nước. Ngoài ra anh còn mở nhiều lớp hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật nuôi lươn, bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Những cố gắng nỗ lực của anh đã được bù đắp những phần thưởng cao quý như giải thưởng Lương Định Của năm 2011, giải “Thanh niên khi Tổ quốc cần” do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng năm 2012 và nhiều bằng khen của các cấp chính quyền.