Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, giá tôm nguyên liệu trong tháng 8/2017 có chiều hướng tăng mạnh do thị trường xuất khẩu khởi sắc trở lại, đẩy nhu cầu của các nhà máy chế biến thuỷ sản trong vùng lên cao.
Tại Bạc Liêu, tôm sú ướp đá cỡ 30 và 40 con một kg lần lượt đạt mức giá 215.000 đồng và 171.000 đồng một kg, tăng khoảng 20.000 đồng so với tháng trước. Giá tôm thẻ cùng cỡ nhích thêm vài nghìn đồng, dao động quanh mức 155.000-180.000 đồng một kg.
Trao đổi với VnExpress, ông Mai Xuân Trường - Tổng thư ký Hiệp hội Tôm Mỹ Thanh (tỉnh Sóc Trăng) cho biết, giá tôm nguyên liệu đã duy trì đà tăng suốt nhiều tuần qua. Cập nhật mới nhất đến cuối tuần này, tôm sú cỡ phổ biến nhất đang có giá 196.000 đồng một kg.
Tuỳ theo mô hình nuôi thâm canh, bán thâm canh hoặc quảng canh cải tiến mà biên lợi nhuận gộp trên mỗi ha dao động quanh mức 40-50%. Một vài hộ nông dân sở hữu ao nuôi 1.500 m2 nhưng sản lượng thu hoạch có thể lên đến 10 tấn, ước tính lãi khoảng 500 triệu đồng mỗi vụ.
“Đối với tôm sú, giá thành rất cao nhưng nếu tính hiệu suất đầu tư thì không bằng tôm thẻ nên phần lớn nông dân đã chuyển hướng đầu tư. Vì mật độ thả nuôi thấp giúp tiết kiệm chi phí đầu tư và hạn chế rủi ro nên số ít nông dân còn bám trụ với mặt hàng này là do hạn chế về vốn”, ông Trường nói và cho biết thêm, nhiều hộ nông dân trong vùng đang chuẩn bị giống và vật tư cho đợt thả mới trong tháng này. Dự kiến thời gian từ thu hoạch đến cải tạo ao lót bạt, thả giống mất khoảng 3-4 ngày.
Công ty cổ phần Thực phẩm Sao Ta (Sóc Trăng) – doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu thuỷ sản trong nhóm dẫn đầu cả nước cho hay, từ giữa tháng 8 đã cơ bản thu hoạch xong vụ nuôi tôm năm nay với sản lượng khoảng 1.000 tấn. Trung bình lợi nhuận mỗi tấn khoảng 50 triệu đồng, vượt gấp đôi kế hoạch đề ra.
“Sản lượng tôm chế biến tháng rồi cũng đạt mức cao nhất từ đầu năm đến nay, đưa doanh số tiêu thụ chung lên mức 15,4 triệu USD. Vụ tôm bội thu góp phần giúp công ty nhiều khả năng hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận trước hai tháng”, đại diện công ty nói.
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp tỉnh Sóc Trăng, tính đến đầu tháng 9, toàn tỉnh thả nuôi 50.860 ha, trong đó tôm thẻ chiếm hơn 63% diện tích. Tuy mới thu hoạch khoảng phân nửa diện tích nhưng sản lượng ước tính khoảng 73.413 tấn, hoàn thành 73% kế hoạch cả năm.
Thời tiết thuận lợi hơn năm trước tác động tích cực đến tình hình nuôi tôm nước lợ toàn vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Diện tích nuôi tôm sú và tôm thẻ chân trắng lần lượt đạt 581.000 ha và 63.600 ha, chiếm gần 95% tổng diện tích nuôi tôm nước lợ cả nước. Tổng sản lượng thu hoạch gần 316.000 tấn, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.