Trong cơn bão 10, thiệt hại nhiều nhất về nuôi tôm phải kể đến Công ty TNHH Hải Tuấn, xã Quỳnh Liên, thị xã Hoàng Mai; với 12 hồ nuôi tôm diện tích 5 ha, tôm đã đạt từ 45 - 50 ngày tuổi và dự kiến chỉ trong vài tuần nữa sẽ thu hoạch.
Tuy nhiên thủy triều dâng cao đã khiến cả vùng nuôi tôm ngập trong biển nước, thất thoát khoảng 70%. Nước mặn xâm nhập kéo theo nhiều rác thải, tạp chất đã khiến các hồ nuôi bị ô nhiễm nặng nề.
Anh Phạm Văn Giang, cán bộ kỹ thuật của công ty cho biết: Nỗi lo lớn nhất bây giờ là số tôm còn lại sẽ bị nhiễm bệnh do nước trong hồ nuôi quá mặn và đầy bùn. Hiện công ty đã xử lý hồ bằng các loại thuốc diệt khuẩn như BKC, Idodine; đồng thời vớt tôm dồn về một số hồ để tiện theo dõi, chăm sóc. Phải chờ khoảng 1 tuần nữa mới có thể biết tôm có an toàn hay không.
Công ty TNHH Hải Tuấn đang di chuyển tôm sang các hồ đã xử lý để đề phòng dịch bệnh. Ảnh: Thanh Thủy
Gia đình anh Nguyễn Văn Sương ở khối 7, phường Quỳnh Xuân có 2 hồ nuôi thì đã kịp vớt tôm non chạy bão 1 hồ. Hồ còn lại gần bờ sông nên ngập nước mặn. Tôm rất dễ bị nhiễm bệnh cầu trùng và đường ruột, ngoài việc phòng dịch anh đang thuê người tháo nước, phơi ao và rắc vôi bột khử trùng nhằm khử mầm bệnh cho vụ sau.
"Mặc dù áp dụng các biện pháp kỹ thuật nhưng vẫn lo sợ nguồn nước mặn đã ngấm vào đất. Hàng chục năm nay chưa khi nào người nuôi tôm vùng này gặp phải tình trạng nước ao nuôi nhiễm mặn như vậy, do đó, khả năng thích nghi của giống tôm thẻ chân trắng sẽ khó hơn" - anh Nguyễn Văn Sương cho biết.
Trong cơn bão số 10, thị xã Hoàng Mai thiệt hại lớn nhất là lĩnh vực nuôi trồng thủy sản với 55 ha, trong đó riêng tôm là 49 ha. Ngoài ra, còn hàng trăm ha rau màu bị úng nước, thối rễ. Hiện các địa phương đang chỉ đạo bà con tích cực xử lý các hồ nuôi, thống kê thiệt hại để kịp thời có chính sách hỗ trợ.
Ông Vũ Tuấn Dũng - Phó chủ tịch UBND thị xã Hoàng Mai cho biết: Thị xã đã phân công cán bộ trực tiếp xuống địa bàn bám sát tình hình để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn bà con hướng khắc phục. Về lâu dài, thị xã sẽ có những dự án nâng cấp một số đoạn đê thấp để ngăn nước mặn thâm nhập, hạn chế thấp nhất thiệt hại cho bà con.
Bão số 10 đổ bộ kết hợp với triều cường dâng cao đã làm ngập hàng chục ha diện tích nuôi tôm ở Quỳnh Lưu. Hiện các hộ nuôi tôm trên địa bàn huyện đang khẩn trương khắc phục hậu quả, xử lý dịch bệnh trong ao nuôi.
Anh Nguyễn Văn Hiền ở xóm Mai Giang 1, xã Quỳnh Bảng có 2,5 ha diện tích nuôi tôm vụ 2 mới thả được hơn 1 tháng, bão gây mưa lớn, nước sông Mai Giang tràn qua đê đã làm ngập toàn bộ diện tích nuôi của gia đình. Sau khi nước rút, anh thuê công nhân kéo lưới, sản lượng chỉ còn lại 200 - 300 kg tôm; còn lại tôm bị chết hết, thiệt hại khoảng 400 triệu đồng.
Để khắc phục hậu quả, anh dùng vôi bột thả xuống ao, dùng clorin để xử lý các mầm mống dịch trong nước và sau đó tháo nước ra ngoài. Khi ao đã cạn nước, anh tiếp tục dùng máy hút bùn và dùng vôi xử lý trước khi bơm nước vào.
“Mưa bão đã để lại hậu quả nghiêm trọng cho các hộ nuôi tôm, nếu không xử lý môi trường nuôi thì nguy cơ lây lan dịch bệnh rất cao" - anh Hiền cho biết.
Theo thống kê, toàn huyện có 50 ha diện tích nuôi tôm bị thiệt hại, tập trung ở các xã Quỳnh Bảng, Quỳnh Minh, Quỳnh Lương, An Hòa và Quỳnh Thanh.
Nhằm tránh lây lan dịch bệnh, Phòng NN&PTNT huyện chỉ đạo các xã tuyên truyền tới bà con nhanh chóng khắc phục hậu quả, xử lý môi trường ao nuôi. Những hộ bị thiệt hại cần xử lý nguồn nước theo đúng quy trình mới được xả thải ra ngoài. Sau khi tháo nước xong, cần rửa sạch ao nuôi, phơi ao và xử lý vôi bột để tiếp tục thả nuôi nếu đủ điều kiện.
Đối với các hộ nằm trong vùng bị ảnh hưởng cần tu bổ lại ao nuôi, tăng cường đánh vôi bột, vi sinh để ổn định môi trường trong nước. Khuyến cáo các hộ nuôi nếu tiếp tục thả nuôi tôm trái vụ cần tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình để hạn chế rủi ro không đáng có, nhất là hiện nay đang vào mùa mưa lũ.