Sau trận lụt cuối năm 2018, toàn bộ 1ha tôm chân trắng của chị Trần Thị Hưởng (thôn Hòa Bình, xã Tam Hòa) mất trắng. Quyết tâm không bỏ nghề, đến thời điểm này, chị đã tiêu độc khử trùng và chuẩn bị thả nuôi 12 vạn tôm giống.
Theo chị Hưởng, nghề nuôi tôm cũng như đánh cược với ông trời, nếu thời tiết thuận lợi mỗi mùa có thể thu về hàng trăm triệu đồng. Còn thời tiết thất thường, dịch bệnh xảy ra coi như mất trắng, nếu may mắn thì đủ vốn. Chị Hưởng tâm sự: "Nuôi tôm là nghề đã gắn bó với nhiều hộ gia đình nơi đây, vì thế dù thế nào thì chúng tôi vẫn không quay lưng với con tôm. Đây là nguồn thu nhập chính của nhiều người dân ven biển như chúng tôi".
Tam Hòa là vùng triều, hạ lưu nên mỗi năm người dân chỉ nuôi được 2 vụ tôm, vì thế người dân rất mong mỏi vụ tôm đầu năm. Tuy nhiên cho đến thời điểm này, nhiều hồ thả giống trước đã xuất hiện một vài bệnh như phân trắng, đường ruột... khiến người dân lo âu. "Mỗi đợt nuôi tôm, số tiền vốn bỏ ra gần 2 tỷ đồng. Nếu dịch bệnh xảy ra, người nuôi tôm như chúng tôi rất khó có thể thu hồi vốn" - chị Hưởng cho biết thêm. Hiện nay trên thị trường, giá tôm thịt đã lên đến 135 nghìn đồng/kg. Đây cũng là tín hiệu tích cực cho người dân nuôi tôm vùng triều Tam Hòa.
Người dân kỳ vọng lớn vào vụ tôm đầu năm 2019. Ảnh: VĂN VIỆT
Ông Ngô Văn Hiệp - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Tam Hòa cho biết: "Năm 2018 tổng diện tích nuôi tôm trên địa bàn xã lên đến 358ha. Sản lượng đạt trên 3.000 tấn với giá trị hơn 270 tỷ đồng. Tuy nhiên những năm gần đây do sản lượng tôm không đạt cao nên nhiều người dân đã bỏ trống đìa tôm, hoặc chuyển sang nuôi trồng rau câu".
Tại xã Tam Xuân 2, mặc dù thường xuyên được khuyến cáo nhưng đến nay nhiều hộ dân vẫn chưa chú trọng trong việc cải tạo nguồn nước, nhiều diện tích nuôi tôm trên địa bàn xã thường xuyên xuất hiện dịch bệnh hoặc đạt năng suất thấp.
Anh Bùi Văn Bích (thôn An Khuông, xã Tam Xuân 2) có 2 hồ rộng hơn 1.00m2, vụ này dự định sẽ thả nuôi 15 vạn tôm thẻ chân trắng. Tuy nhiên đến nay việc nuôi tôm vẫn còn nhiều bất cập. Mặc dù được sự hướng dẫn của các cán bộ nông nghiệp xã nhưng việc tiếp cận với những kỹ thuật trong việc nuôi tôm thẻ chân trắng trên bạt vẫn chưa ổn định. "Người dân nơi đây từ lâu đã quen với việc nuôi tôm trong các đìa tự nhiên. Việc nuôi tôm trên bạt vẫn còn xa lạ nên chăm sóc chưa tốt dẫn đến sản lượng chưa đạt như mong muốn" - anh Bích cho biết.
Ông Lương Quang Trúc - phụ trách nông nghiệp xã Tam Xuân 2 cho biết, để đảm bảo chất lượng nuôi tôm, chính quyền xã luôn khuyến cáo người dân nuôi theo đúng kỹ thuật. Đồng thời cải tạo hồ, sử dụng nguồn nước sạch để trách tình trạng dịch bệnh. Ngoài ra do mới tiếp cận phương pháp nuôi tôm trên bạt nên cũng còn nhiều hạn chế. Thời gian tới xã sẽ tổ chức các lớp tập huấn để phát triển mạnh hơn nữa nghề nuôi tôm thẻ chân trắng tại địa phương.