Nguồn nguyên liệu chính sản xuất nước mắm tại một số địa phương khan hiếm khiến các DN ngành này vô cùng khó khăn.
Nguồn nguyên liệu cá khan hiếm, giá tăng
Ông Lê Anh, Tổng Giám đốc công ty TNHH mắm Lê Gia cho biết, từ tết đến nay các DN sản xuất nước mắm truyền thống gặp nhiều khó khăn.
Nguyên liệu chính sản xuất nước mắm truyền thống là cá cơm thời gian qua xăng dầu tăng giá, một chuyến đánh bắt không đủ trang trải chi phí nên ngư dân ngại đi đánh bắt. Vì vậy, nguồn nguyên liệu cá cơm thu mua giảm 30 - 40%, giá cá tăng 40 - 50%, thậm chí có thời điểm giá tăng gấp rưỡi công ty vẫn phải mua.
Bên cạnh nguyên liệu chính khan hiếm, tăng giá, các nguyên vật liệu phụ như chai, lọ, nắp… công ty nhập từ nước ngoài giá cũng tăng cao. Đặc biệt, chi phí nhập một container vỏ chai thủy tinh tăng hơn 10 lần mà không có container rỗng để nhập về.
“Chi phí đầu vào tăng đến 40% nhưng chúng tôi xác định chia sẻ với người tiêu dùng nên không tăng giá đồng loạt các sản phẩm. Chúng tôi phải tiếp tục sản xuất để duy trì, giữ chân khách hàng, cố gắng cầm cự đến lúc nào hay lúc đó” - ông Lê Anh nói.
Tương tự, ông Huỳnh Ngọc Diệp, Giám đốc Công ty cổ phần thủy sản 584 Nha Trang cho biết, do tình hình mùa vụ không thuận lợi, giá xăng dầu từ đầu năm đến nay tăng liên tục nên ngư dân không bám ngư trường như bình thường. Cộng hưởng các yếu tố trên nên nguồn nguyên liệu cho sản xuất nước mắm ảnh hưởng nghiêm trọng và giá tăng cao.
Ông Lê Anh, Tổng Giám đốc công ty TNHH mắm Lê Gia cho biết nước mắm truyền thống gặp nhiều khó khăn. Ảnh: NVCC.
“Do nguồn nguyên liệu khan hiếm hiện nay công ty phải chấp nhận mua nguyên liệu cá với giá tăng 20%-30%, đặc biệt chi phí vận tải đường bộ tăng mạnh ảnh hưởng đến giá đầu vào của tất cả DN” - ông Diệp nói.
Trong khi đó, ông Trương Quang Hiến, Phó Chủ tịch hiệp hội nước mắm truyền thống Việt Nam cho biết, thông thường sau tết (mùa phụ) các cơ sở sản xuất nước mắm Phan Thiết sẽ có nguồn nguyên liệu 100 - 200 tấn cá để ủ chượp.
Tuy nhiên, từ khi dịch COVID-19 xảy ra đến nay, nguồn cá tại Phan Thiết khan hiếm. Mùa phụ năm nay bà con chỉ nhập được 15%-20% sản lượng cá từ các vùng khác. Đặc biệt, thời điểm này một số cơ sở không còn cá nên tạm dừng sản xuất.
“Bà con phản ảnh bây giờ đổ hai triệu tiền dầu cho một chuyến đi được vài tạ cá, sau khi trả chi phí cho nhân công tính ra mỗi người vài trăm ngàn đồng, thậm chí là lỗ” - ông Hiến kể.
Tương tự, ông Huỳnh Ngọc Sỹ, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Hớn Hưng, thị trấn An Thới (Phú Quốc) cho biết, hiện nay nguồn nguyên liệu cá ở Phú Quốc cũng khó khăn tương tự như Phan Thiết.
Nguyên nhân do thời điểm này không phải là mùa chính đánh bắt cá, trong khi giá xăng dầu tăng cao, chủ ghe sẽ lỗ nên chỉ những ai vì bạn hàng lâu năm mới ra khơi.
Lo cho thị trường năm sau
Theo ông Hiến, vì mùa cá phụ đã mất, hầu như các cơ sở sản xuất nước mắm Phan Thiết đều kỳ vọng vào mùa cá chính (tháng 6 đến tháng 9).
“Tới đây là vụ cá chính, nếu không đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất các cơ sở phải đóng cửa hoàn toàn. Như vậy, năm sau sẽ không thể cung cấp nước mắm được rathị trường” - ông Hiến nói.
Hiệp hội nước nắm Phan Thiết hiện có khoảng 44 cơ sở sản xuất, mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 20 triệu lít. Các cơ sở đa số sản xuất nước mắm thô bán cho DN chế biến, thương mại nên những đơn vị này quyết định giá.
Theo ông Lê Anh, trước đây công ty thu mua cá cơm than vùng vịnh Bắc Bộ nhưng nay bổ sung nguồn nguyên liệu từ các vùng biển khác, đặc biệt mùa cá cơm than từ tháng 9 đến tháng 11 âm lịch nên vẫn đảm bảo sản phẩm ra thị trường.
“Nước mắm truyền thống ít nhất sau 15 tháng qua quá trình ủ chượp mới ra thành phẩm. Mùa vụ năm nay nếu các cơ sở thiếu hụt nguyên liệu cá, năm sau thị trường sẽ ảnh hưởng” - ông Lê Anh nói.
Theo ông Sỹ, cơ sở của ông sản xuất nước mắm thô cung cấp cho các DN chế biến, thị trường tiêu thụ chủ yếu là TP.HCM. Từ khi xảy ra dịch đến nay sức mua giảm 80% nên rất khó khăn.
“Mùa đánh bắt cá chính ở Phú Quốc từ tháng 7 đến tháng 11 âm lịch. Dù nguồn cá gần bờ giảm đáng kể nhưng chúng tôi không lo thiếu nguyên liệu vì hiện tại có những ghe được đầu tư lớn đánh bắt xa bờ. Tất nhiên, DN phải mua nguyên liệu giá cao, chấp nhận giảm lợi nhuận để tiếp tục bám nghề” - ông Sỹ nói.
Các cơ sở sản xuất nước mắm đều kỳ vọng vào mùa cá chính (tháng 6 đến tháng 9). Ảnh: ST
Theo đại diện Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ Nông Nghiệp và Phát triển Nông thôn), nguồn lợi hải sản biển Việt Nam hiện đang bị khai thác quá mức và đang trong tình trạng suy giảm.
Cụ thể, giai đoạn 2000 - 2005 trữ lượng nguồn lợi hải sản biển 5,07 triệu tấn, giai đoạn 2011 - 2015 còn 4,13 triệu tấn, giai đoạn 2016 - 2019 còn 3,95 triệu tấn.
Để bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi hải sản, viện đề xuất cần sử dụng các loài cá có giá trị dinh dưỡng khác để làm nguyên liệu sản xuất nước mắm thay thế cho nguồn lợi cá cơm đang dần suy giảm.
Đồng thời, thường xuyên tổ chức các hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi, bù lại nguồn lợi đã bị mất trong quá trình khai thác. Cấm nghề và ngư cụ khai thác mang tính hủy diệt.
Nguồn lợi hải sản biển Việt Nam có trữ lượng khoảng 3,95 triệu tấn. Gồm cá nổi nhỏ (cá cơm, cá nục, cá trích) khoảng 2,45 triệu tấn, cá nổi lớn khoảng 940.000 tấn, cá tầng đáy khoảng 408.000 tấn...
Nguồn nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm gồm cá nổi nhỏ được phân bố chủ yếu tại vịnh Bắc bộ khoảng 547.000 tấn, Trung bộ 690.000 tấn; Đông Nam bộ 782.000 tấn và Tây Nam bộ là 430.000 tấn.