Đang trong lúc nói chuyện, ông Nhàn quay sang hỏi cậu con trai “Tắm cá chưa con?”. “Cá đang nuôi trong nước, sao phải tắm?”, tôi thắc mắc. Ông Nhàn giải thích “Là vớt cá vào chậu nước ngọt để cá tự vệ sinh, tự phòng bệnh lấy. Thường xuyên tắm cá và vệ sinh lồng bè, cá khỏe mau lớn, tránh rủi ro”. Ngoài việc chăm sóc cá, hằng ngày những người nuôi cá như ông Nhàn phải lặn xuống biển kiểm tra từng lồng xem lưới bên dưới có bị cá lớn bên ngoài cắn rách, phòng thất thoát cá nuôi.
Gần bè cá ông Nhàn là bè cá của ông Nguyễn Văn Vinh, một trong những người đầu tiên nuôi cá bớp lồng bè ở Mũi Né. Ông Vinh đang ngồi băm mồi cho cá. Sau vài câu chào hỏi, ông nói: “Cá bớp ăn tạp, dễ nuôi, mau lớn, tỷ lệ hao hụt thấp và ít rủi ro. Thức ăn thì dễ kiếm (6.000 -7.000 đồng/kg). Nhiều du khách muốn ra bè tham quan cũng như ăn ngủ trưa trên lồng bè nhưng tụi tui không dám đưa ra, một là vì đàn cá nuôi, hai là lo sợ tính mạng của họ. Hiện nay, giá cá của mình so với Nha Trang cao hơn từ 20.000 - 30.000 đồng/kg, tuy vậy, cá bớp nuôi tại Mũi Né vẫn bán chạy vì như nhiều người nói thịt cá thơm (có lẽ vì ở môi trường nuôi sạch, đáy biển rất ít bùn).
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, tại Mũi Né và Mũi Điện (xã Tân Thành, huyện Hàm Thuận Nam) có trên 20 bè cá bớp, nhưng tập trung nhiều ở khu vực Mũi Né (17 bè). Từ tháng 9 - 3 âm lịch, các bè tập trung ở bãi trước Mũi Né. Từ tháng 4 - 8 âm lịch, bè cá được dắt sang bãi sau, tránh gió “săn” mùa nam.
Nhiều người nuôi cá bớp cho hay: Họ mong được chính quyền hỗ trợ. “Chúng tôi đang lo âu về khu vực nuôi trên biển. Nếu như mai này có chủ trương nhường mặt nước cho các dự án du lịch thì coi như lụi tàn nghề nuôi. Người trồng thanh long, nếu không trồng thanh long, vẫn còn mảnh đất để trồng loại cây khác. Còn như chúng tôi thì… chịu?!
Nghề nuôi cá bớp lồng bè trên mặt biển Phan Thiết mới bắt đầu hình thành khoảng 4 năm trở lại đây. Thế nhưng, tương lai của nó có tươi sáng hay không còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó có yếu tố ổn định về nơi nuôi và môi trường.