Tình cờ gặp cá “lạ”
Năm 2005, trong một lần đi biển đánh cá, ngư dân xã Vinh Hiền vô tình cất được một giống cá “lạ”, người dân tự đặt tên là cá vẩu rồi đem về nuôi trong lồng cùng với cá mú, cá hồng. Được một thời gian, cá vẩu lớn nhanh, thân màu sáng bạc, nhìn giống cá chim sống ở biển. Kích cỡ và trọng lượng của cá vẩu cũng to hơn các loại cá cùng nuôi, thịt thơm và bùi nên thương lái tìm đến mua tới tấp. Vì thế, người dân Vinh Hiền bắt đầu mách nước nhau, mở rộng mô hình nuôi giống cá “lạ”.
Tuy nhiên, để nuôi được cá vẩu không dễ, ngoài kinh nghiệm thì yếu tố quan trọng dẫn đến sự thành công là kỹ thuật. Chỉ cần nước ngọt tràn vào đầm nuôi hay bị dịch bệnh thì mọi công sức xem như bỏ bể. Ngoài ra, theo ông Lê Thiết, Chi hội trưởng Hội Nuôi cá lồng xã Vinh Hiền, nuôi cá vẩu không chỉ gặp rủi ro mà đầu ra cũng bất ổn, lại thường xuyên bị thương lái ép giá, tuy vậy, nếu nuôi thành công thì lợi nhuận cũng khả quan.
Mô hình “hái” ra tiền
Ban đầu cả xã Vinh Hiển chỉ có 5 - 6 hộ nuôi thử giống cá chưa một lần mắt thấy tai nghe này. Thời điểm cá chết hàng loạt hồi đầu năm 2011, người dân tưởng chừng phải giã từ nghề nuôi cá “lạ”, nhưng không chấp nhận trắng tay, nhiều hộ vẫn tiếp tục vay vốn để nuôi cá. Đến nay, toàn xã có gần 80 hộ đầu tư lồng nuôi cá vẩu, bình quân mỗi hộ nuôi 10 - 20 lồng, mỗi lồng 100 - 150 con.
Trong đó, gia đình ông Trần Hùng ở thôn Hiền An 1 là hộ đầu tư mạnh nhất vào mô hình này, với hơn 20 lồng nuôi cá vẩu, ngoài ra ông còn kết hợp nuôi một số giống cá khác như hồng, mú, chẽm. Ông Hùng cho biết, khoảng tháng 11 âm lịch hàng năm là cá vẩu bắt đầu sinh sản và dạt vào bờ theo từng đàn, do vậy việc bắt cá giống cũng khá dễ dàng. Thông thường, sau 9 - 12 tháng thả nuôi cá sẽ cho thu hoạch, trọng lượng bình quân từ 1,2 - 1,5 kg/con, giá bán dao động từ 150.000 - 170.000 đồng/kg.
“Mỗi năm, trừ chi phí, gia đình thu lãi gần 100 triệu đồng từ cá vẩu. Nhiều người nhờ nuôi cá “lạ” mà có đủ tiền xây nhà, sắm sửa vật dụng sinh hoạt cũng như nuôi con cái ăn học đàng hoàng”, ông Hùng vui vẻ nói.
Ông Trần Đình Công Định, Chủ tịch Hội Nông dân xã Vinh Hiền cho biết, toàn xã có khoảng 200 hội viên thuộc 3 chi hội chuyên nuôi cá vẩu, gồm Chi hội khai thác, Chi hội nuôi trồng - đánh bắt và Chi hội trực tiếp nuôi cá lồng. Hội Nông dân xã tổ chức nhiều đợt tập huấn kỹ thuật chăm sóc, nuôi cá vẩu lồng để bà con nâng cao hiệu quả kinh tế, hạn chế dịch bệnh.
Ông Châu Ngọc Phi, Trưởng phòng Kỹ thuật thủy sản (Trung tâm Khuyến nông - lâm - ngư tỉnh Thừa Thiên - Huế) cho biết, cá vẩu thuộc họ Cá chim trắng, có giá trị kinh tế cao. Để nhân rộng mô hình nuôi cá vẩu lồng, cần có thời gian và chiến lược lâu dài, bởi hiện nay nguồn giống chưa chủ động, đầu ra phụ thuộc vào thương lái.
Ông Phi cũng cho biết, hiện Trung tâm đang có kế hoạch nghiên cứu và đưa vào nuôi thử nghiệm giống cá chim vây vàng, có đặc tính tương tự cá vẩu nhưng có khả năng sinh sản. Điều này giúp người dân chủ động hơn về mặt con giống, từ đó giảm thiểu rủi ro trong quá trình nuôi.
Cá vẩu sống được ở nước lợ, thức ăn chủ yếu là các loại cá tạp nhỏ. Khi nuôi, cần chú ý hạn chế di chuyển vì cá sẽ chết nếu bị trầy lớp phấn ở bên ngoài. Cần vệ sinh lồng cá ít nhất 2- 3 lần trong mỗi đợt nuôi bằng cách san lồng (từ lồng này san qua lồng khác) để tránh dịch bệnh cho cá.