Hội thảo diễn ra trong bối cảnh chuỗi ngành hàng này bị tác động bởi biến đổi khí hậu (BĐKH). Cá lóc là loài thủy sản đặc trưng ở nước ta, được nhiều nông dân ĐBSCL đầu tư nuôi theo dạng bán thâm canh hoặc thâm canh với nhiều hình thức nuôi trong ao đất, bể bạt, bể xi măng, vèo đặt trong ao.
Ngoài ra, còn phát triển nuôi vèo trên sông vào mùa lũ. Theo PGS.TS Trương Hoàng Minh, ĐH Cần Thơ, nghề nuôi cá lóc gần đây phát triển nhanh, sản lượng đạt khoảng 40.000 tấn/năm.
Kết quả khảo sát cho thấy người nuôi cá lóc có xu hướng nuôi thâm canh 65 con/m2 và cho cá ăn thức ăn công nghiệp, trong đó nuôi vèo ao, vèo sông thả mật độ 100 - 113 con/ m2, thời gian nuôi từ 5 - 6 tháng, kích cỡ thu hoạch 550 - 570 gr/con...
Theo Chi cục Thủy sản An Giang, việc nuôi cá lóc đang gặp nhiều khó khăn trong SX giống, nuôi thương phẩm và tiêu thụ. Cơ sở chế biến chưa gắn kết chặt chẽ với người nuôi.
Các DN chưa thực sự quan tâm đầu tư SX và bao tiêu sản phẩm cho nông hộ. Do đó việc phát triển nuôi cá lóc thâm canh còn thiếu tính bền vững.