Năm năm trước, gia đình anh Ngô Công Quốc, thôn Tân Hải, xã Ngư Thủy Bắc nằm trong diện hộ nghèo. Nhìn mảnh cát trắng gần nhà, anh luôn trăn trở làm gì để thoát nghèo. Qua tìm hiểu, anh thấy việc nuôi cá lóc trên cát có hiệu quả nên đã mạnh dạn đầu tư thực hiện mô hình này.
Đến nay, gia đình anh Quốc có năm hồ cá, mỗi năm cho thu nhập hơn 200 triệu đồng. Anh Ngô Công Quốc nói: “Những ngày đầu đi biển khó khăn, sau khi thấy thị trường cá lóc có giá, đất vườn lại rộng nên tôi đã mạnh dạn đào ao nuôi. Lúc đầu nuôi hồ đất sau đó thay thế bằng hồ lót bạt để dễ thay nước và cá bảo đảm chất lượng hơn”.
Cũng như gia đình anh Quốc, gia đình bà Nguyễn Thị Tuyết, thôn Bắc Hòa, xã Ngư Thủy Bắc trước đây bám biển gần bờ nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn, thế nhưng sau khi chuyển sang nghề nuôi cá lóc, gia đình ngày càng khấm khá.
Ngoài việc nuôi cá để bán thịt, gia đình bà Tuyết còn tận dụng nguồn giống tốt để nuôi cá lóc sinh sản. Với ba hồ cá giống, mỗi năm không những tạo giống nuôi cho gia đình mà còn bán cho bà con cùng nuôi trong xã. Bà Nguyễn Thị Tuyết cho biết, mỗi năm, sau khi chi phí, nghề nuôi cá lóc cho thu nhập 180-200 triệu đồng. Điều quan trọng là nuôi cá lóc trong ao cát có lãi hơn các hình thức chăn nuôi khác, tỷ lệ thiệt hại ít hơn.
Theo ông Trần Quang Quyền, Chủ tịch Hội nông dân xã Ngư Thủy Bắc, xã có gần 1.100 hộ dân thì hơn 60% số hộ đào hồ nuôi cá lóc. Hộ nào ít cũng có một, hai hồ, hộ nhiều có bốn, năm hồ, chi phí mỗi hồ nuôi khoảng 100 triệu đồng. Sau bốn tháng nuôi, trừ đi các khoản chi phí, một hồ nuôi cá lóc cũng mang lại cho người dân khoảng 20 triệu đồng/vụ. Mỗi năm, toàn xã thu về hơn 50 tỷ đồng từ nghề nuôi cá này.
Cũng theo ông Trần Quang Quyền, mô hình nuôi cá lóc tại xã Ngư Thủy Bắc đã xuất hiện từ nhiều năm trước song bà con chỉ nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu theo lối tận dụng đất và thức ăn. Dần dần, bà con thấy nuôi cá lóc không khó, đầu ra tương đối dễ dàng, lại mang tính bền vững nên nhiều hộ đã mở rộng diện tích nuôi để có nguồn thu.
Đặc biêt, từ sau khi xảy ra sự cố ô nhiễm biển do Formosa Hà Tĩnh gây ra, hàng trăm ngư dân vùng Ngư Thủy (gồm ba xã Ngư Thủy Bắc, Trung, Nam) buộc phải dừng đi biển nên mất nguồn thu, họ cũng học tập người dân xã Ngư Thủy Bắc đào ao nuôi cá lóc. Chỉ trong thời gian ngắn, số lượng ao nuôi đã tăng gần 30% so với cùng kỳ.
Thiết nghĩ, trong khi chính quyền các cấp còn loay hoay, lúng túng trong việc chuyển đổi nghề cho ngư dân thì đây là hướng đi phù hợp, bước đầu mang lại hiệu quả cho bà con bãi ngang tỉnh Quảng Bình sau sự cố ô nhiễm môi trường biển.
Tuy nhiên, đây mới là việc làm tự phát của bà con ngư dân. Chính quyền và ngành chức năng phải sớm vào cuộc để định hướng và có các biện pháp hỗ trợ người dân cụ thể về giống, kỹ thuật nuôi và hướng tiêu thụ. Nếu không, ngư dân tất cả các xã bãi ngang trong tỉnh học nhau đều chuyển sang nuôi cá nước ngọt thì liệu rồi bán cá cho ai. Ngư dân vốn đã khó khăn, nếu thả nổi để họ tự đầu tư nuôi cá rồi thua lỗ thì còn cay đắng hơn.