Nuôi cá lóc trên... đất cát
Nhân Trạch là xã biển. Sinh ra trong gia đình ngư dân nghèo, là anh cả trong gia đình có 7 anh chị em nên từ nhỏ Ngọc đã luôn trăn trở và nghĩ cách làm giàu, mong muốn vượt lên khó khăn. Năm 2008, Ngọc thuê 1.100m2 đất với giá 2 triệu đồng/năm theo chương trình ưu đãi dành cho thanh niên phát triển KTXH, xóa đói giảm nghèo tại địa phương để nuôi cá lóc. Nhìn 4 bể cá được đầu tư với tổng diện tích 200m2 nằm cách bờ biển chừng vài trăm mét không ai có thể nghĩ rằng ở trên vùng đất cát, cá lóc lại phát triển và mang lại hiệu quả kinh tế cao như ngày hôm nay. Mô hình trên được Ngọc ấp ủ thực hiện sau khi khăn gói vào Quảng Ngãi để học nghề, Ngọc tâm sự: “Trước đó em cũng đã nuôi tôm nhưng không thành công, nên đã chuyển sang mô hình nuôi cá lóc, toàn bộ số tiền đầu tư đều phải vay mượn ngân hàng cả. Đến nay qua nhiều vụ đã chứng minh được hướng đi này là đúng”.
Mô hình mới cho xã nghèo vùng biển
Ngoài sự trợ giúp của gia đình, anh phải thuê thêm một số người dân địa phương hằng ngày cho cá ăn, theo dõi sự phát triển của cá. Cá làm thức ăn phải được băm nhỏ, khi cá đang còn nhỏ thì cho ăn 2 lần/ngày, cá lớn thì 1 lần/ngày. Cũng từ đó đã tạo được công ăn việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người dân địa phương. Nuôi được khoảng 6 tháng thì cá được bình quân 1,5 - 2kg/con và bắt đầu xuất bán. Ngọc cho biết, với giá thị trường như hiện nay từ 50.000 - 70.000 đồng/kg thì vụ này thu hoạch được hơn 250 triệu đồng, trừ các chi phí cũng lãi được 50 - 60 triệu đồng. “Với sản lượng cá có chất lượng mỗi khi vào mùa thu hoạch, em không lo đầu ra vì các thương lái trong và ngoài tỉnh sẽ đến tận hồ để thu mua” - Ngọc vui vẻ cho biết.
Nói về con, ông Hồ Văn Hà tự hào: “Nó chịu khó học hỏi lắm, cũng nhiều lần thất bại nhưng đã tìm tòi, phấn đấu mới được như hôm nay. Tui luôn động viên nó phải phấn đấu hơn nữa chứ đời ngư dân như tui bấp bênh lắm, như vậy cũng là bám biển làm giàu cho quê hương. Sắp tới nó còn có ý định mở thêm hồ nuôi ếch Thái Lan, trang trại gà trên quỹ đất cát còn lại để phát triển sản xuất...”. Theo Hội Nông dân xã Nhân Trạch thì hiện tại ở địa phương đã có 9 hộ gia đình triển khai nuôi cá lóc theo mô hình của Ngọc và bước đầu đã phát huy có hiệu quả.
Ngày 23.10, Tỉnh đoàn Quảng Bình cho biết: Với việc triển khai mô hình nuôi cá lóc trên vùng đất cát có hiệu quả, anh Hồ Đức Ngọc đã vinh dự nhận giải thưởng Lương Định Của năm 2011 và là một trong những đại biểu đại diện cho thanh niên tỉnh nhà tham dự Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ X sắp tới tại Hà Nội.