Cá hồi là loài thuỷ sản sinh trưởng và phát triển thích hợp ở nhiệt độ từ 10 – 17 độ C, mật độ nuôi thích hợp từ 18 – 20kg/m3. Cá hồi vân đang được nuôi ở những vùng có khí hậu lạnh và độ cao trên 1.200m (so với mặt nước biển).Cá hồi vân là một sản phẩm được người tiêu dùng ưa chuộng vì thịt cá rất ngon. Theo một số nghiên cứu, thành phần dinh dưỡng chính trong 100 g thịt cá gồm 30,2 g chất rắn, 17,5 g protein, 10,2 g chất béo, 0,1 g đường, ngoài ra còn chứa nhiều axít béo omega-3, axít này dễ hòa tan vitamin A, D và nước hòa tan vitamin B12.
Trong khi đó, cá tầm lại có thể thích nghi và phát triển ở vùng núi cao từ 600m trở lên,nhiệt độ từ 18-270C, môi trường nước lạnh, sạch và ô xy hòa tan cao, tốt nhất trên 6 mg/lít.. Thịt cá tầm thuộc loại đặc sản, thơm ngon và trứng cá tầm đen là món ăn cao cấp thuộc hạng “cao lương mỹ vị”. Trứng cá tầm đen có giá bán rất cao (2.000 - 8.000 euro/kg tùy loại), có thể xuất khẩu sang Mỹ và EU, mỗi cá thể thành thục nặng từ 20 - 30 kg có thể cho 2 - 6 kg trứng…
Cá hồi, cá tầm lần đầu tiên được đưa vào nuôi thư nghiệm tại miền Bắc Việt Nam năm 2005 thông qua dự án đồng tại trợ của Đại sứ quán Phần Lan tại Hà Nội và Trung tâm khuyến ngư quốc gia thuộc Bộ Thủy sản cũ (nay là Tổng cục Thuỷ sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Lần đầu, dự án nhập thử 50.000 trứng điểm mắt từ Phần Lan, tiến hành nuôi thử nghiệm tại Trung tâm nghiên cứu cá nước lạnh Sapa, nơi có điều kiện tự nhiên thích hợp cho cá nước lạnh sinh trưởng và phát triển. Theo báo cáo ghi nhận, sau 10 ngày ấp nở, tỷ lệ trứng nở thành công đạt 95% và sau 2 năm cá hồi đã thành thục. Kể từ đó, cá nước lạnh đã được ấp nở, ương và nuôi thương phẩm thành công tại nhiều nơi trong cả nước những năm vừa qua.
Các thống kê chưa đầy đủ cho thấy, hiện nay cá tầm, cá hồi đã được đưa vào nuôi tại khoảng 15 tỉnh thành trong cả nước, gồm Lào Cai, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên, Sơn La, Hà Giang, Tuyên Quang, Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Cạn, Thanh Hóa, Nghệ An, Lâm Đồng, Đắc Lắc, Kon Tum, Bình Thuận...
Tây Nguyên là khu vực có tiềm năng mặt nước để nuôi trồng thủy sản hết sức dồi dào. Thống kê năm 2007 cho thấy, cả vùng có 56.236 ha mặt nước có khả năng nuôi trồng thủy sản, trong đó Đăk Lăk 7.570 ha, Đăk Nông 932 ha, Lâm Đồng 15.360 ha, Gia Lai 11.400 ha và Kon Tum là 20.974 ha. Đặc biệt với điều kiện khí hậu thuận lợi, Lâm Đồng và Đăk Lắk là 2 tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển bền vững hai đối tượng cá nước lạnh: cá hồi và cá tầm.
Nuôi cá nước lạnh tại Lâm Đồng
Lâm Đồng có điều kiện khí hậu, đất đai và nhất là nguồn nước rất thích hợp với nghề nuôi cá nước lạnh (cá hồi và cá tầm). Với độ cao trên 1500 mét so với mực nước biển cùng với nguồn nước lạnh phong phú, nhiệt độ nước luôn ở ngưỡng dưới 20 độ C, khí hậu quanh năm mát mẻ, tỷ lệ che phủ rừng cao, có thể nói Lâm Đồng là tỉnh duy nhất ở phía Nam có điều kiện tự nhiên lý tưởng để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh.
Tháng 4/2006, Viện Nghiên cứu nuôi trồng thuỷ sản 3 đã mang 20 con cá tầm về nuôi thử nghiệm tại Lâm Đồng. Sau 14 tháng, những con cá tầm đã tăng trưởng bình quân 0,6 – 0,8kg/con/tháng và đặc biệt là tỷ lệ sống đạt trên 95%, giá cá tầm thương phẩm 280 – 300.000 đồng/kg. Kết quả này đã gây ngạc nhiên cho cả các chuyên gia Nga về khả năng thích nghi và tốc độ tăng trưởng của cá tầm ở Tây Nguyên nói chung và Lâm Đồng nói riêng.
Cũng trong tháng 4/2006, những con cá hồi vân đầu tiên được nhập về nuôi tại thôn Klong Klanh, xã Đa Chais, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng. Cá được nuôi trong ao lót bạt với nguồn nước suối lạnh lưu thông liên tục được lấy từ rừng già, nhiệt độ nước từ 16-19 độ C. Sau một năm nuôi thả, cá hồi đạt kích cỡ trung bình từ 1-1,7kg/con, tỷ lệ sống đạt gần 80%. Năng suất quy đổi đạt 40 tấn/ha. Giá bán cá hồi vân trên thị trường hiện nay khoảng 250 - 300 ngàn đồng/kg, người nuôi có thể thu lợi nhuận cao từ hoạt động nuôi cá hồi.
Thống kê mới nhất của Hiệp hội cá nước lạnh Lâm Đồng, tính đến tháng 5 năm 2011, Lâm Đồng có 13 đơn vị, tổ chức cá nhân đang đầu tư nuôi cá nước lạnh với tổng vốn đầu tư khoảng 200 tỷ đồng. Diện tích nuôi cá nước lạnh (chỉ tính thành viên hiệp hội) là 34 ha, sản lượng cá thương phẩm năm 2010 đạt 335 tấn, tăng 21,5% so với năm 2009, năng suất đạt trung bình 13,5 tấn/ha ao hồ. 4 tháng đầu năm 2011 sản lượng cá thương phẩm của 13 thành viên hiệp hội đạt 103 tấn, định hướng phát triển năm 2011 là từ 300 – 350 tấn. Từ 2 địa phương nuôi cá nước lạnh là Lạc Dương và Đà Lạt, nay đã phát triển nuôi cá nước lạnh ra 8 huyện, thành phố trong tỉnh. Tỉnh Lâm Đồng đặt mục tiêu đến năm 2014 sẽ mở rộng diện tích nuôi cá nước lạnh lên 200ha với sản lượng 2.550 tấn/năm, trong đó, có 1.000 tấn cá hồi và hơn 1.500 tấn cá tầm các loại; đạt doanh thu 350-400 tỷ đồng, tạo việc làm cho khoảng 300 lao động chất lượng cao.
Theo đánh giá của đoàn công tác Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản trong cuộc điều tra khảo sát tại Lâm Đồng tháng 7/2011, trang trại bài bản, qui mô nhất trong lĩnh vực nuôi cá nước lạnh tại Lâm Đồng là mô hình của Công ty TNHH Thung lũng Nắng ở Lạc Dương. Chủ của trang trại- Ông Vadim Kuzhetsov là một người Nga chính gốc, mặc dù không có chuyên môn trong lĩnh vực thuỷ sản nhưng ông Vadim Kuzhetsov vẫn quyết định đầu tư vào lĩnh vực này chỉ với một lý do rất đơn giản là vùng Lạc Dương có điều kiện khí hậu khá giống với nước Nga (có thể nuôi cá tầm, cá hồi rất tốt) và điều quan trọng là ông nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của chính quyền địa phương.
Nuôi cá nước lạnh tại Đắk Lắk
Vùng phía Tây Nam huyện Krông Bông (xã Cư Drông) giáp Lâm Đồng có độ cao khoảng 900-1.000m so với mặt nước biển, nên có khả năng phát triển nuôi cá nước lạnh. Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản dưới sự hỗ trợ của Dự án SUDA đã tiến hành khảo sát chất lượng và trữ lượng nguồn nước tại huyện Krông Bông vào tháng 9 năm 2010. Kết quả nghiên cứu cho thấy, điều kiện tự nhiên, nguồn nước có thể thích hợp cho cá hồi vân sinh trưởng và phát triển. Thác Yang Hanh hùng vỹ trên đỉnh núi Yang Hanh là thác nước chảy, nguồn nước trong vắt, nhiệt độ nước dao động từ 13-190C, nồng độ pH hợp lý, trữ lượng nước có khả năng phát triển nuôi cá hồi với quy mô lớn.
Tháng 5/2009 Công ty Cổ Phần Yang Hanh - Trung Tâm Nghiên Cứu Cá Hồi - Cá Tầm - Krông Bông đã triển khai đề án nuôi thử nghiệm cá Hồi tại đỉnh núi Yanh Hanh, với hệ thống kè đập chặn nước dẫn về hồ, Hồ nuôi cá hồi đảm bảo quy chuẩn đảm bảo nước chảy liên tục, các hồ nuôi được bố trí theo kiểu phân cấp hoặc Zig Zag đảm bảo lượng oxi cung cấp cho cá. Ao lót bạt chống thấm nước và hệ thống xả đáy. Qua 1 năm thử nghiệm nuôi cá nước lạnh (cá hồi vân), kỹ thuật viên của trại cho biết giống thuỷ sản này rất thích nghi với điều kiện môi trường tự nhiên ở đây và phát triển tốt, tăng trọng nhanh, cá hồi đạt kích cỡ trung bình 1.000 g/con, trọng lượng lớn nhất đạt 1.700 g/con, tỷ lệ sống đạt 76,8%. Năng suất quy đổi đạt 5-10 tấn/năm. Năm 2011, công ty có kế hoạch tiến hành triển khai mở rộng diện tích mặt nước nuôi cá hồi trên núi cao và thực hiện thí điểm đề tài " Quy trình nuôi thương phẩm và sản xuất giống cá Tầm Sterlet" do tỉnh phê duyệt và hỗ trợ một phần kinh phí.
Việc nuôi thành công hai giống cá nước lạnh: cá hồi và cá tầm của công ty Cổ Phần Yang Hanh đã mở ra triển vọng mới cho phát triển kinh tế nông nghiệp nói chung và thủy sản nói riêng trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk.
Nuôi cá nước lạnh tại Kon Tum
Từ năm 2008, Công ty TNHH Hoàng – TP. Vũng Tàu đã mạnh dạn đầu tư triển khai dự án “ Phát triển nuôi cá nước lạnh tại huyện Kon Plong tỉnh Kon Tum”. Huyện Kon Plong nằm ở độ cao trung bình 1.100 – 1.200m, có nguồn nước lạnh phong phú, chất lượng nước tốt, độ che phủ rừng khoảng 70%, nhiệt độ mùa khô dao động từ 17-22 độ C, mùa mưa từ 14-20 độ C. Qua khảo sát một số xã trên địa bàn huyện, Công ty TNHH Hoàng đã lựa chọn hai xã Hiếu và xã Măng Cành làm địa điểm xây dựng trại nuôi cá tầm và cá hồi vân. Cá được nuôi trong các ao lót bạt, kích thước 4 x 33 1,5m. Giống thả ban đầu có khối lượng 25g/con, sau 1 năm nuôi, cá đạt khối lượng trung bình 2kg/con, tỷ lệ sống khoảng 90%.
Những khó khăn trong lĩnh vực nuôi cá nước lạnh tại Tây Nguyên
Theo kết quả khảo sát của đoàn công tác Viện Kinh tế và Quy hoạch thuỷ sản, khó khăn lớn nhất trong lĩnh vực nuôi cá nước lạnh tại Tây Nguyên hiện nay là nguồn giống, thức ăn chưa ổn định, chủ yếu phải nhập theo đường tiểu ngạch. Đây chính là nguyên nhân khiến giá thành đầu tư nuôi cá nước lạnh tăng lên quá cao, hiệu quả kinh tế mang lại cho người nuôi không được cao như mong đợi. Không những vậy, việc nghiên cứu về thức ăn đạt tiêu chuẩn cũng chưa được đầu tư thỏa đáng. Nuôi bằng thức ăn sản xuất trong nước có mức giá thấp hơn thức ăn nhập khẩu từ Phần Lan tuy nhiên chất lượng thịt cá không đảm bảo do đó các trại nuôi thường phải chấp nhận nhập khẩu thức ăn với giá cao. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân đẩy giá thành đầu tư nuôi cá nước lạnh lên cao.
Mặt khác, tuy xem cá nước lạnh là một trong những đối tượng nuôi được ưu tiên phát triển trong chương trình nông nghiệp công nghệ cao, nhưng đến thời điểm này, hầu hết các tỉnh trên địa bàn cả nước có tiềm năng nuôi cá nước lạnh nói chung và 2 tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk nói riêng vẫn chưa xây dựng được đề án quy hoạch phát triển cá nước lạnh. Do sự chậm trễ này mà việc xác định diện tích mặt nước và nguồn nước, diện tích đất để lập dự án đầu tư khai thác nuôi cá nước lạnh còn gặp nhiều khó khăn. Nếu không xác định rõ khu vực nào phù hợp để nuôi cá nước lạnh thì rất dễ dẫn đến tình trạng phát triển tự phát, phá vỡ quy hoạch. Khi đó, không những hiệu quả kinh tế không đảm bảo, mà còn có thể ảnh hưởng đến toàn bộ dự án, làm xáo trộn môi trường sản xuất.
Công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cá nước lạnh, xây dựng thương hiệu cũng chưa được quan tâm thoả đáng. Đa số các doanh nghiệp, công ty đều phải tự mình tìm đầu ra cho sản phẩm. Không có doanh nghiệp hay công ty nào trong nước đăng ký thương hiệu cho sản phẩm cá hồi, cá tầm. Công nghệ chế biến và tiêu thụ sau thu hoạch cũng là một vấn đề lớn. Hầu hết cá thương phẩm đều được tiêu thụ trong nước, dạng sống. Phương thức này chỉ có thể áp dụng cho những quy mô nhỏ như hiện nay. Đến khi sản lượng tăng cao và vươn ra thị trường xuất khẩu thì vấn đề chế biến sau thu hoạch là hết sức quan trọng, vì các sản phẩm chế biến từ các loại cá này có giá trị hơn so với cá tươi sống trên thị trường xuất khẩu. Và việc xây dựng thương hiệu cũng cần phải có kế hoạch triển khai.
Giải pháp phát triển bền vững nuôi cá nước lạnh tại Tây Nguyên
Việc phát triển nhanh trong nuôi các loại cá nước lạnh sẽ phát sinh nhiều vấn đề tất yếu như tác động đến môi trường, tài nguyên nước… nên rất cần có một quy hoạch chi tiết, cụ thể và khoa học với sự hợp tác của các cơ quan ban ngành, các Viện nghiên cứu và nhà sản xuất.
Để phát triển nghề nuôi cá nước lạnh bền vững, một trong các yếu tố quan trọng là phải đảm bảo môi trường nuôi cá lâu dài. Vì thế nên các nhà đầu tư cần quan tâm nhiều hơn đến đầu tư hạ tầng thủy sản, đặc biệt hệ thống dẫn và thoát nước trong các trại nuôi. Về phía nhà quản lý, cần quan tâm đến bản vẽ thiết kế- kỹ thuật trang trại khi cấp phép đầu tư, loại bỏ những dự án đầu tư kỹ thuật công nghệ khép kín chưa cao bởi trên thực tế sau khi khảo sát một số trại nuôi cá nước lạnh đã có những mô hình còn những vấn đề bất cập, hiệu quả thấp.
Trong thời gian tới, cần có kế hoạch nghiên cứu công nghệ, đầu tư sản xuất thức ăn đạt tiêu chuẩn chất lượng cao với mức giá thành thấp hơn thức ăn nhập khẩu. Mặt khác cũng cần chú trọng đến khâu sản xuất giống vì theo Hiệp hội cá nước lạnh Lâm Đồng thì tại thời điểm tháng 5/2011, sự mất cân đối giữa số lượng giống cá nước lạnh và diện tích khu nuôi cá nước lạnh thương phẩm trên địa bàn Lâm Đồng có sự chênh lệck khá lớn. Số lượng giống nuôi thịt thương phẩm hiện đạt 800 – 1000 tấn, trong khi đó diện tích nuôi (kể cả khả năng đầu tư tăng thêm) trong năm 2011 cũng chỉ đạt 350 – 400 tấn.
Cần triển khai công tác xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm cá nước lạnh, xây dựng thương hiệu cho cá nước lạnh để đầy mạnh tiêu thụ sản phẩm bền vững, tạo cơ hội cho sản phẩm cá nước lạnh nuôi tại Việt Nam tham gia vào thị trường thuỷ sản trong khu vực và trên thế giới.