HIỆU QUẢ BƯỚC ĐẦU
Cuối tháng 10/2012, Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa triển khai mô hình nuôi thí điểm cá rô đầu vuông tại 2 hộ nông dân với số lượng 150kg cá giống (250-300 con/kg). Ông Phan Ẩn ở thôn Tân Đạo, xã Hòa Tân Đông (Đông Hòa), cho biết: “Gia đình tôi được Phòng NN-PTNT huyện hỗ trợ thả nuôi 75kg cá giống trong diện tích ao nuôi khoảng 750m2. Đến nay, cá được 4 tháng, trọng lượng khoảng 6-10 con/kg, một số cá lớn đạt trọng lượng 0,3kg/con.
Nhờ sự hướng dẫn kỹ thuật của cán bộ Phòng NN-PTNT huyện nên trong quá trình nuôi đến nay chưa xuất hiện bệnh nào ảnh hưởng đến đàn cá; tỉ lệ hao hụt thấp, khoảng 10-15%. Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, gia đình tôi bán bớt số cá lớn mỗi ngày 7-10kg, giá từ 40.000-60.000 đồng/kg. Bước đầu thấy mô hình nuôi cá rô đầu vuông mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trước đây tôi nuôi các loại cá nước ngọt khác”.
Kỹ sư Đỗ Tấn Thành, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa (người hướng dẫn kỹ thuật đối với mô hình nuôi cá rô đầu vuông trên địa bàn huyện), cho biết: Ở tỉnh ta, một số huyện khác như Phú Hòa, Tây Hòa… cũng đang triển khai mô hình nuôi cá rô đầu vuông. Nếu mô hình nuôi cá rô đầu vuông này thành công, Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa sẽ triển khai nhân rộng, đồng thời sẽ chọn một số vùng trồng lúa phù hợp để triển khai nuôi thí điểm mô hình lúa - cá rô đầu vuông.
Để đảm bảo hiệu quả kinh tế, người nuôi cần tính toán, tránh tình trạng nuôi ồ ạt, cá thương phẩm tiêu thụ không kịp và giá bán sẽ giảm. Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa đang tiến hành quy hoạch vùng nuôi và hướng dẫn, tập huấn kỹ thuật để giúp nông dân nắm bắt kỹ thuật nuôi, giúp nghề nuôi ổn định và phát triển bền vững.
CẦN TUÂN THỦ KỸ THUẬT
Theo kỹ sư Đỗ Tấn Thành, ao nuôi cá rô đầu vuông phải có diện tích 500 - 1.000 m2. Ao có cống cấp và thoát nước, chiều sâu nước trong ao từ 1,2 - 1,5m. Trước khi thả nuôi, tát cạn nước trong ao, bắt hết cá tạp, rải vôi đều ở đáy ao với lượng 7 - 10 kg/100 m2, phơi đáy ao từ 3 - 5 ngày.
Dùng lưới bao bọc xung quanh bờ ao để tránh địch hại xâm nhập vào ao nuôi và cá thất thoát ra ngoài. Cấp nước vào ao qua lưới lọc mịn, mực nước cấp từ 40 - 60 cm, có thể sát khuẩn nước ao nuôi bằng một trong các loại thuốc như: Thuốc tím 1 kg/1.000 m3; Vimekon 1 kg/1.000 m3; Iod 10 ppm…
Có thể áp dụng một trong các cách sau để tiến hành gây màu nước: Dùng 20 kg phân chuồng (đã ủ hoai) cộng với 10 - 15 kg phân xanh bón cho 100 m2 ao; dùng phân vô cơ (NPK, DAP) hòa nước tạt đều xuống ao với liều lượng 2 kg/1.000 m2; dùng các chế phẩm vi sinh theo hướng dẫn của nhà sản xuất để ổn định màu nước, định kỳ 10 - 15 ngày sử dụng một lần.
Chọn cá giống khỏe, không xây xát, không dị hình, tương đối đồng cỡ, kích thước trung bình 5 cm/con, trọng lượng trung bình đạt khoảng 300 con/kg, mật độ nuôi khoảng 30 con/m2. Tắm cá bằng nước muối 2 - 3% trong 5 - 10 phút trước khi thả nuôi.
Có thể cho ăn bằng thức ăn chế biến, tuy nhiên để nuôi thâm canh đạt kết quả cao nên cho cá ăn bằng thức ăn viên công nghiệp có hàm lượng đạm 30 - 35% tùy theo giai đoạn nuôi. Trong tháng đầu, cho cá ăn 3 - 5 lần/ngày với khẩu phần 5 - 7% trọng lượng thân; 2 tháng tiếp theo, cho cá ăn 3 - 4 lần/ngày với khẩu phần 3-5% trọng lượng cá; trên 4 tháng nuôi, cho cá ăn 2 - 3 lần/ngày với khẩu phần 3% trọng lượng cá.
Tránh cho ăn thừa vừa làm tăng chi phí nuôi vừa gây ô nhiễm nguồn nước. Không cho ăn đói vì cá sẽ chậm phát triển làm giảm hiệu quả của quá trình nuôi. Bổ sung thêm men tiêu hóa, vitamin (đặc biệt là vitamin C), các chất kích thích miễn dịch… để tăng khả năng tiêu hóa, tăng sức đề kháng giúp cá tăng trưởng nhanh và chống chịu tốt với các điều kiện bất lợi của môi trường.
Định kỳ 15 ngày, sát khuẩn nguồn nước ao nuôi bằng một trong các loại thuốc diệt khuẩn như thuốc tím 0,5 - 1 kg/1.000 m3, Iod 2 - 3 ppm, hoặc các loại thuốc sát khuẩn nguồn nước khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất. Từ tháng thứ hai trở đi nên bổ sung thêm chế phẩm sinh học cải thiện nguồn nước và làm giảm nguy cơ ô nhiễm đáy ao.