Là một trong những xã miền núi của huyện Sông Lô, trong những năm gần đây, Đồng Quế đã khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển ngành chăn nuôi. Trên địa bàn xã Đồng Quế có gần 40 trang trại, gia trại phát triển nhiều mô hình chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao, như: Cá tầm, lợn lửng, lợn rừng, gà thả đồi… cho thu nhập trung bình từ 250 - 300 triệu đồng/năm/hộ. Nhờ đó, đời sống nhân dân ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm, hộ khá giàu tăng.
Ông Nguyễn Duy Phúc, thôn Thanh Tú được nhiều người dân địa phương biết đến với mô hình nuôi cá tầm quy mô lớn đã hơn 10 năm nay. Năm 2006, cá tầm có xuất xứ từ Nga được đưa vào Việt Nam nuôi thử nghiệm. Nhận thấy đây là loại cá có giá trị kinh tế và dinh dưỡng cao, năm 2008, ông Phúc triển khai xây dựng mô hình nuôi cá tầm trên diện tích 6.500m2. Ban đầu, quy mô nuôi thả chỉ 1.500 con. Một năm sau, đàn cá tầm của gia đình ông sinh trưởng, phát triển tốt, sản lượng khi thu hoạch đạt 4 tấn, với giá bán 330 nghìn đồng/kg, mang lại cho gia đình ông Phúc doanh thu 120 triệu đồng, một số tiền không hề nhỏ ở thời điểm bấy giờ.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Phúc cho biết: Cá tầm là loài cá nước lạnh, có giá trị kinh tế cao, từ lâu thịt và trứng cá tầm được xem là thực phẩm “cao lương mỹ vị”, trở thành món ăn ưa thích của giới thượng lưu. Tuy nhiên, lúc loài cá này mới du nhập vào Việt Nam thì chưa ai có thể khẳng định được giá trị kinh tế cũng như việc nuôi giống cá mới này ở một đất nước thuộc vùng nhiệt đới gió mùa. Qua khảo sát tôi nhận thấy, khí hậu ở Đồng Quế rất thích hợp để nuôi cá tầm, nhiệt độ của nước phù hợp cho cá tầm sinh trưởng và phát triển nên đã mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình kinh tế này”.
Hơn 10 năm qua, mô hình nuôi cá tầm của gia đình ông Phúc đã có bước phát triển ổn định. Từ chỗ bị động con giống, phải nhập khẩu con giống từ nước ngoài thì nay ông Phúc đã hoàn toàn chủ động được nguồn giống. Đặc biệt, trại cá tầm của ông Phúc còn thành công trong việc cung cấp trứng cá tầm muối, được người tiêu dùng ưa chuộng. Không chỉ dừng lại ở đó, thông qua website www.catamthacbay.com và facebook catamthacbay, mô hình nuôi cá tầm và trứng cá tầm của ông Phúc được đông đảo người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết đến. Với giá bán 220 nghìn đồng/kg thịt cá và 17 triệu đồng/kg trứng cá tầm muối ước tính doanh thu mỗi năm của gia đình ông Phúc đạt hơn 1 tỷ đồng.
Để khai thác tiềm năng, lợi thế về địa hình, đất đai, giúp người dân có cơ hội phát triển, làm giàu chính đáng, trao đổi với chúng tôi, đồng chí Lê Công Hưng, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Quế cho biết: Xác định chăn nuôi là hướng phát triển kinh tế chủ yếu giúp người dân giảm nghèo bền vững, thời gian qua, chính quyền địa phương thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách, các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho người dân vay vốn phát triển sản xuất.Khuyến khích áp dụng các biện pháp, tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi để nâng cao chất lượng đàn vật nuôi, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh.