Tham gia lớp tập huấn, các hộ dân được hướng dẫn kỹ thuật chọn vị trí đặt lồng nuôi, chọn và thả giống đúng cách, vệ sinh lồng nuôi, cho ăn và quản lý thức ăn dư thừa, phòng và trị một số bệnh thường gặp. Đặc biệt, các hộ dân được hướng dẫn kỹ thuật phân loại kích cỡ cá khi có hiện tượng phân đàn, giúp cá sinh trưởng và phát triển đồng đều hơn.
Anh Nguyễn Trọng Độ, hộ dân có kinh nghiệm nuôi cá thát lát cườm trên hồ Định Bình cho biết: cá thát lát cườm là đối tượng mới nuôi trong vài năm trở lại đây, so với các giống cá hiện đang nuôi tại hồ Định Bình, đây là giống cá có giá trị kinh tế cao hơn hẳn, cá lớn nhanh và chống chịu được bệnh tốt.
Tuy nhiên, để nuôi đối tượng này mang lại hiệu quả kinh tế cao thì yếu tố cần thiết là các hộ nuôi phải nắm bắt được đặc điểm sinh học, tập tính sống của cá thì việc nuôi cá sẽ trở nên đơn giản hơn. Ngoài ra, còn phải tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm nuôi thông qua nhiều hình thức như theo dõi tin tức trên báo, đài, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật,... để trao dồi thêm kiến thức, nâng cao kỹ thuật nuôi cá.
Cá thát lát cườm sinh trưởng khá tốt khi được nuôi lồng trên hồ chứa. Ảnh: NTN
Ông Lê Văn Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Vĩnh Thạnh cho hay: năm 2023 được sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã triển khai xây dựng mô hình nuôi cá thát cườm thương phẩm trong hồ chứa thủy lợi gắn liên kết tiêu thụ sản phẩm tại 02 điểm trình diễn, với quy mô 100 m3/điểm trình diễn.
Đến thời điển hiện tại, sau 7 tháng thả nuôi, cá sinh trưởng phát triển khá tốt, không thấy xuất hiện dấu hiệu bệnh, trọng lượng cá đạt từ 300 – 400 gam/con. Trong thời gian tới, Trung tâm sẽ cử cán bộ kỹ thuật tiếp tục theo dõi, bám sát mô hình đến khi hội thảo đánh giá kết quả triển khai và thu hoạch.
Đồng thời, hỗ trợ các hộ dân trong việc liên kết với thương lái để tiêu thụ sản phẩm, tạo đầu ra ổn định, giúp các hộ dân yên tâm trong việc phát triển nghề nuôi cá, nâng cao thu nhập và ổn định đời sống.