Trang trại nuôi trồng thủy sản của gia đình ông nằm xa khu dân cư, rộng bát ngát, thoáng mát và sạch sẽ. Nhìn từ xa, đẹp như tranh thủy mặc.
Thất bại nhưng không nản
Sau khi có chủ trương chuyển đổi vùng đất trũng, sản xuất lúa 2 vụ kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản, năm 2003 ông Năm đã mạnh dạn chuyển đổi với diện tích khoảng 6.000m2 để nuôi tôm sú theo kiểu chăn nuôi công nghiệp.
Sau nhiều tháng nuôi, tôm sú cho năng suất tốt, hiệu quả cao ngay từ vụ nuôi đầu tiên. Đến nỗi, tiền vào như nước; ông và gia đình quá bất ngờ, vui sướng. Thời điểm đó, bán 1kg tôm sú, gia đình ông mua được 1 tạ thóc.
Song, sang lứa nuôi tiếp theo, các hộ chăn nuôi thủy sản quanh đây đổ xô nuôi tôm sú nên mật độ nuôi dầy đặc, môi trường nước bị ô nhiễm, xuất hiện một số dịch bệnh trên tôm do đó hiệu quả kinh tế đem lại không còn cao.
Đến năm 2006, thì gia đình ông Năm cùng nhiều hộ khác như “rơi xuống vực thẳm”, thua lỗ nặng; riêng gia đình ông thiệt hại 50 triệu đồng. Trong khi, nhiều hộ chán nản, quyết định “bỏ cuộc” thì ông Năm lại tiếp tục tìm hướng đi mới với mong muốn thành công trên con đường đã chọn.
Ông bàn bạc với gia đình thuê thêm 3ha của những hộ bên cạnh để quy hoạch, cải tạo ao nuôi. Lần này, ông chuyển hướng sang nuôi cá truyền thống. Ông chọn cá trôi, mè, chép để phát triển mô hình.
Trang trại nuôi trồng thủy sản của gia đình ông Năm rộng đến 6ha, trong đó có 5ha diện tích mặt nước. Ảnh: Mai Chiến.
Chăn nuôi được mấy năm, hiệu quả kinh tế đem lại thấp, thu nhập chẳng được bao nhiêu, ông Năm dừng lại. Đến năm 2009, ông biết đến loài cá Vược. Mặc dù chưa có kinh nghiệm, kĩ thuật nuôi loài cá này nhưng ông vẫn quyết tâm nuôi. Lứa đầu, chăn nuôi thắng lợi.
Trước khi vào lứa nuôi thứ 2, gia đình ông cải tạo lại ao với quy mô hơn, ao sâu và rộng hơn trước. Tuy nhiên, vận đen lại tiếp tục đeo bám gia đình ông. Do cá Vược chịu lạnh kém nên cá chết như nấm mọc sau mưa, chết nổi trắng ao. Đó là vào cuối năm 2010.
“Lúc đó, gia đình ước tính thiệt hại khoảng 10 tấn cá Vược. Nghĩ rằng, sẽ thành công với loài cá này vào vụ sau nên tôi đánh liều tiếp tục nuôi cá Vược, nhưng đến cuối năm 2011, cá Vược vẫn chết, số lượng chết tương đương với vụ trước. Lý do, vẫn là chết rét”, ông Năm nhớ lại.
Mặc dù, thất bại nhiều lần nhưng ông Năm vẫn không nản. Năm 2012, ông chuyển sang nuôi cá lăng chấm và trắm. Thời điểm đó, giá bán cá lăng, trắm thương phẩm cao nên gia đình ông thu lãi nhiều. Những năm sau, ông vẫn nuôi 2 loài thủy sản này nhưng giá thành biến động nên lời lãi chẳng được bao.
“Thất bại triền miên với nghề nuôi trồng thủy sản, sao ông không chuyển hướng?”, tôi hỏi. Ông Năm bảo, thất bại là mẹ thành công. Và, ông trời cũng sẽ không làm phụ lòng những người biết vươn lên trong cuộc sống.
Đúng như thế. Sau nhiều năm trải qua biết bao biến cố, thăng trầm thì đến năm 2016, gia đình ông mới thoát khỏi vận đen. Qua tìm hiểu, ông biết đến loài cá trắm đen, được sự giúp đỡ của mọi người, ông đã chuyển hướng sang nuôi loài cá này từ đó cho đến nay.
Đại gia nông thôn
Sau hơn 15 năm gắn bó với nghề nuôi trồng thủy sản, hiện ông Năm đang sở hữu trang trại nuôi trồng thủy sản rộng đến 6ha, trong đó có 5ha diện tích mặt nước. Con nuôi chủ lực là cá trắm đen, nuôi xen với tôm thẻ chân trắng, cá chép với mật độ ít, không đáng kể.
Tính đến nay, ông đã có khoảng 4 năm kinh nghiệm trong chăn nuôi cá trắm đen. Theo ông Năm, cá trắm đen có sức đề kháng cao, ít bệnh tật, rất dễ nuôi. Chịu rét, tác động môi trường tốt. Nhờ đó, cá phát triển và lớn nhanh. Hơn nữa, so với các giống cá truyền thống khác như trắm cỏ, chép, trôi… thì nuôi cá trắm đen cho hiệu quả kinh tế cao hơn, gấp 2 - 3 lần.
Ông Năm cho biết thêm, mỗi lứa nuôi kéo dài từ 10 - 12 tháng là cho thu hoạch. Lúc đó, cá trắm đen xuất bán ra thị trường nặng gần 8kg/con; đột biến có con nặng trên 10kg, nhưng chiếm tỉ lệ ít.
Hiện, với diện tích 5ha mặt nước, mỗi năm gia đình ông cung cấp cho thị trường khoảng 100 tấn cá trắm đen với giá bán dao động từ 80.000 - 100.000đ/kg, tùy vào từng thời điểm.
“Nhờ chăn nuôi cá theo hướng an toàn, thị trường tiêu thụ ổn định nên trung bình mỗi năm trang trại cung cấp ra thị trường khoảng 100 tấn cá. Thu lãi hơn 1 tỉ đồng, sau khi đã trừ chi phí”, ông Năm bộc bạch.
Cán bộ Hội Nông dân tỉnh Nam Định chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cá. Ảnh: Mai Chiến.
Dẫn chúng tôi đi “mục sở thị” trang trại, ông Năm nói, nguồn cá giống được trang trại mua ở những cơ sở sản xuất con giống có uy tín. Để chủ động nguồn giống, ông đã dành riêng 4 ao nhỏ (khoảng 1.500m2/ao) để ương cá. Ương khoảng 6 tháng (2 - 3kg/con) thì chuyển sang ao nuôi cá thương phẩm.
Ông bảo: “Ương cá giống rất vất vả, như chăm con mọn, đòi hỏi kĩ thuật cao, công chăm sóc nhiều. Ngày cho cá 4 bữa. Có như vậy, cá giống mới khỏe mạnh, không bị bệnh”.
Còn về kĩ thuật nuôi cá thương phẩm, trước khi vào vụ mới phải vệ sinh lại ao nuôi, làm sạch nguồn nước. Mặc dù, trong quá trình chăm sóc không đòi hỏi kĩ thuật cao như ương cá giống nhưng không thể chủ quan.
Để giảm bớt sức lao động, trang trại của gia đình ông Năm đã lắp đặt máy cho ăn cá tự động. Chỉ việc, cho cám vào máy, điều chỉnh tốc độ cho ăn là máy nhả cám theo tỉ lệ đã mặc định. Ngoài ra, trang trại còn lắp đặt hệ thống máy tạo oxy để cung cấp thêm oxy cho cá.
Nhờ nuôi cá trắm đen, mà ông Năm đã trở thành tỉ phú nơi thôn quê. Có được thành quả như ngày hôm nay, ông phải nếm trải bao đắng, cay, ngọt bùi…