Cá trê vàng là loài có dinh dưỡng và giá trị kinh tế cao nên được bà con nông dân tận dụng mùa nước nổi để thả cá. Cách làm này vừa tốn ít chi phí nhưng thu về lợi nhuận khá cao và có thể chọn lọc đối tượng thả nuôi đáp ứng theo nhu cầu thị trường. Nắm bắt được thông tin này, thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Lam đã thực hiện mô hình nuôi cá trê vàng bằng hình thức “hoang dã hóa”. Mô hình chọn và thả cá giống (đã được ương trong ao hoặc vèo) trong mương bao ruộng lúa trong thời gian 2-3 tháng. Thời gian đầu cho cá ăn thức ăn công nghiệp dạng viên để cá lớn nhanh, sau khi thu hoạch lúa Hè thu thì đưa cá lên ruộng. Lúc này, người nuôi giảm lượng thức ăn công nghiệp xuống dần để kích thích cá bắt mồi tự nhiên.
Ưu điểm của mô hình là tạo cho cá sống trong môi trường tự nhiên, cá được bơi lội tự do sẽ có hình dáng bên ngoài thon, gọn, chất lượng thịt ngọt, chắc. Ngoài ra, ở môi trường tự nhiên, cá có thể sử dụng thêm thức ăn có sẵn trên ruộng như tép, cá nhỏ… từ đó giảm lượng thức ăn công nghiệp, giảm ô nhiễm môi trường. Đặc biệt, giá bán cao tương đương cá đồng, từ đó giúp người dân gia tăng lợi nhuận trên cùng một diện tích canh tác. Ngoài ra, ứng dụng mô hình này còn khuyến khích nông dân hạn chế canh tác lúa vụ 3. Thời gian nuôi cá là thời điểm “nghỉ” của ruộng lúa, giúp phục hồi lại dinh dưỡng cho đất.
Vì những ưu điểm trên mà đến nay sau hơn 1 năm nghiên cứu kết thúc, mô hình vẫn được một số hộ dân ở huyện Long Mỹ và thị xã Long Mỹ duy trì, nhân rộng. Có hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi cá đồng trên ruộng lúa, ông Trần Văn Ghi, ở phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, cho biết: “Mỗi năm, cứ vào mùa nước nổi là tôi cùng bà con xung quanh hợp tác thả nuôi cá trên ruộng. Diện tích nuôi từ 7-10 công đất, có năm nuôi cá chim, cá lóc nhưng nuôi cá trê vàng là hiệu quả nhất. Mỗi vụ cá, trung bình thu về lợi nhuận trên 30 triệu đồng”.
Từng tham gia mô hình nuôi cá trê theo hình thức “hoang dã hóa” của thạc sĩ Lam, ông Lê Duy Toàn, ở ấp 2, xã Vĩnh Viễn, huyện Long Mỹ, rất phấn khởi vì thu lời cao. Ông Toàn cho hay: “Vụ cá năm rồi, tôi bán được giá 63.000 đồng/kg. Tôi nuôi 30kg cá giống trên 4 công ruộng mà lãi được trên 13 triệu đồng. Nếu so với làm lúa vụ 3 thì nuôi cá lời gấp 2 lần. Năm nay, tôi tiếp tục thả nuôi với số lượng 40kg để tăng thêm thu nhập”. Còn ông Nguyễn Văn Chiều, ở xã Long Phú, thị xã Long Mỹ cũng đang đắp bờ ruộng lên cao thêm 5 tấc để nuôi cá trê vàng. Ông đang thử nghiệm trên 5 công ruộng với gần 40kg cá giống.
Phó phòng Kinh tế thị xã Long Mỹ Nguyễn Văn Thống cho biết: “Thị xã đang nhân rộng mô hình trên 13ha ruộng lúa vụ 3 cho nông dân. Đặc biệt, có nhiều hộ dân ở xã Long Phú, Tân Phú rất tâm đắc với mô hình này và duy trì 2 năm nay từ khi học được kỹ thuật. Nuôi cá trê vàng trên ruộng lúa đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân nơi đây”.
Không chỉ có thị xã Long Mỹ, mô hình này còn được hơn 20 hộ dân ở huyện Long Mỹ nuôi theo. Vì vậy, ngành nông nghiệp 2 đơn vị này đã và đang hỗ trợ, khuyến khích nhân rộng, giúp người dân cải thiện sinh kế. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thùy Lam cho biết: Mô hình đã tạo ra một hình thức nuôi mới với hiệu quả kinh tế cao, góp phần gia tăng diện tích nuôi thủy sản toàn tỉnh, tăng thu nhập cho người dân nông thôn. Thông qua mô hình, sẽ là giải pháp khả thi, tạo thêm công ăn việc làm có thu nhập ổn định cho người dân, hạn chế hoạt động khai thác những nghề xâm hại nguồn lợi thủy sản. Đồng thời, đóng góp một phần tăng sản lượng thủy sản có giá trị, bảo vệ nguồn lợi và môi trường sinh thái.
Vì những hiệu quả trên, mô hình “Nuôi cá trê vàng trên ruộng lúa bằng hình thức hoang dã hóa” đã đạt giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật tỉnh Hậu Giang lần thứ VII, được UBND tỉnh tặng bằng khen. Mới đây, mô hình này được tỉnh xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh năm 2016.