Đầm Châu Trúc có diện tích hơn 1.200 ha, thuộc huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Lâu nay, đầm này nổi tiếng với nhiều loài thủy hải sản tươi ngon, trong đó có loại cá chình mun quý hiếm được xếp vào danh mục các loài nguy cấp trong Sách đỏ Việt Nam. Món ăn được nấu từ chình mun trở thành đặc sản có một không hai của Bình Định. Đây là một trong những món ăn tiến vua nổi tiếng của tỉnh Bình Định vào thời xa xưa.
Chình mun thuộc loại cá thân da trơn, chiều dài lúc trưởng thành gần 1 m, thường sống ở những vùng nước sâu. Theo đông y, thịt, xương, máu và mỡ chình mun đều là dược liệu, có vị ngọt, tính bình, không độc, có tác dụng bổ dưỡng, khu phong, trừ thấp, sát khuẩn... Món chình mun ngon nhất là được làm và nấu tại chỗ với những gia vị có sẵn ở vườn quê như sả, ớt bay, hành hương, nghệ... Chình mun ướp gia vị được nướng trên vỉ than hồng, thịt rất nhanh chín nên phải trở đều tay. Hòa quyện cùng các vị sả, hành, ớt bay theo gió, thịt chình mun nướng đánh thức mọi giác quan của thực khách. Thịt chình mun hơi dai vì có da và khi ăn có cảm giác như ăn thịt sụn sần sật rất thú vị, đó cũng chính là nét độc đáo của thịt chình mun ở đầm Châu Trúc.
Bên cạnh món nướng, chình mun còn được chế biến thành rất nhiều món ăn độc đáo khác nhau. Một số cái tên như chình mun hấp, chình mun xào sả ớt, chình mun nấu mẻ... và đặc biệt là món ăn cầu kỳ chình mun um chuối. Đây là món ăn kỳ công được nấu từ chuối chát non, lá lốt cùng nhiều loại khác như rau răm, dừa trái, sả, ớt... Với các vị béo, cay, chát... khiến thực khách ăn một lần sẽ nhớ mãi.
Nói đến chình mun đầm Châu Trúc thì không thể không nhắc đến tên ông Võ Tuấn Tú (55 tuổi; ngụ thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ) - người đã đưa thương hiệu chình mun đến với người dân cả nước. Sau nhiều năm thất bại với số tiền thiệt hại lên đến hàng tỉ đồng, cuối cùng ông Tú đã thực hiện thành công mô hình nuôi cá chình mun. Hiện tại, ngoài việc thu mua, phân phối cho thị trường cả nước, ông Tú còn thực hiện mô hình nuôi thành công chình mun ngay bên đầm Châu Trúc. Ông đã đầu tư hơn 1,5 tỉ đồng để xây dựng 4 hồ nuôi kiên cố rộng trên 20.000 m2, có khả năng chống chọi thiên tai. Với khoảng 3.000 con chình mun nuôi trong các hồ, mỗi năm ông Tú thu hoạch khoảng 4-5 tấn chình thương phẩm, sau khi trừ chi phí lãi khoảng 400 triệu đồng.
Ông Đặng Thanh Nhàn, Chủ tịch UBND xã Mỹ Châu, cho biết ngoài làm kinh tế giỏi, ông Võ Tuấn Tú còn tiên phong trong việc đóng góp xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Hiện cơ sở nuôi trồng của ông Tú đang giải quyết cho nhiều lao động thường xuyên với thu nhập 6 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, mỗi năm ông Tú còn giúp nhiều hộ dân thoát nghèo và vươn lên làm giàu bền vững. Với những thành tích đó, năm 2017, ông Tú đã đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh và cấp trung ương.