Chị Hồ Thị Hiền là một chủ nhà hàng ở bãi biển Quỳnh Nghĩa, huyện Quỳnh Lưu đã có hơn 20 năm làm nghề nuôi, lưu trữ hải sản tươi sống để cung cấp cho các nhà hàng cho biết: Một món ăn hải sản ngon phụ thuộc lớn vào mức độ tươi sống của nguyên liệu chế biến bởi có tươi hải sản mới giữ được nhiều chất dinh dưỡng, độ giòn ngọt. Còn các loại hải sản đã chết, đông lạnh nhiều ngày có thể dẫn đến ngộ độc, dị ứng, do vậy, nhu cầu nuôi giữ hải sản tươi sống là rất cao.
Hiện nay, gia đình chị Hiền đang có 12 bể bằng bê tông và kính để lưu trữ, nuôi hải sản. Ở mỗi bể đều lắp đặt hệ thống sục khí tạo ô xy cho hải sản sinh sống. Chị nuôi rất nhiều loại hải sản như cá mú, cua, ghẹ, ốc hương, tôm tít… và tiêu thụ được khá nhiều. Từ nghề này, mỗi năm chị thu nhập hơn 500 triệu đồng, tạo việc làm thường xuyên cho 5 - 7 lao động.
“Làm cái nghề phải chịu khó, siêng năng, biết bảo quản hàng. Nếu không biết cách bảo quản sẽ lỗ vốn vì hầu hết các loại hải sản không sống được lâu", chị Hiền cho biết.
Không chỉ lưu trữ, nuôi hải sản để phục vụ cho các nhà hàng ăn uống mà nhiều hộ làm nghề này còn hướng tới thị trường xuất khẩu sang các nước Trung Quốc, Lào… Cùng với việc thu mua trực tiếp từ các ngư dân, thương lái trong huyện, các cơ sở còn thu mua hải sản tươi sống ở khắp các tỉnh từ Đà Nẵng trở ra.
Còn cơ sở của bà Nguyễn Thị Huệ ở cảng Lạch Quèn, xã Quỳnh Thuận có 9 bể nuôi giữ hải sản với sức chứa 3 tạ mỗi bể. Theo bà Huệ, để nuôi nhốt được hải sản tươi sống phải đầu tư đồng bộ từ nhà xưởng đến bể nuôi, hệ thống sục khí, xe vận chuyển. Hiện gia đình bà Huệ đã đầu tư hệ thống nuôi đa dạng các loại như ốc tù và, ốc hương, ghẹ, cua, cá mú... đây là những loại hải sản có giá trị cao từ 500.000 đồng đến hàng triệu đồng/kg.
"Nuôi nhốt hải sản quan trọng nhất là nước. Nước phải được thay thường xuyên, phải đảm bảo độ lạnh, độ mặn”. Không chỉ cung cấp cho các nhà hàng hải sản trong huyện, tỉnh mà tôi còn xuất hàng sang thị trường Trung Quốc. Tuy kỹ thuật nuôi nhốt hải sản đòi hỏi khá tỉ mỉ nhưng hiệu quả kinh tế rất cao", bà Huệ cho biết.
Các loài hải sản được nuôi tại Quỳnh Lưu có giá trị kinh tế cao như ốc tù và (giá khoảng 1,3 - 1,5 triệu đồng/kg), ốc hương (giá 500.000 đồng/kg), ghẹ (từ 450.000 - 600.000 đồng/kg), cua (giá 1 - 1,5 triệu đồng/kg), cá mú (con từ 2 lạng trở lên giá 500.000 đồng/kg)…; tùy thời điểm giá cả có thể tăng hoặc giảm nhẹ. Nhờ nghề này, nhiều hộ dân ở Quỳnh Lưu có thu nhập từ vài trăm triệu đến tiền tỷ mỗi năm.
Trên địa bàn huyện Quỳnh Lưu hiện có khoảng 60 cơ sở thu mua, nuôi trữ hải sản tươi sống, tập trung chủ yếu ở các xã biển Quỳnh Long, Quỳnh Thuận, Quỳnh Nghĩa, Tiến Thủy, Quỳnh Bảng… Việc lưu trữ, nuôi hải sản chủ yếu dựa vào hệ thống sục khí và đảm bảo việc thay nước thường xuyên để cung cấp nguồn thức ăn là các loài tảo sẵn có trong nước biển. Vì vậy, nghề này không mất chi phí thức ăn. Tuy nhiên, hải sản chỉ có thể lưu trữ được từ 5 - 10 ngày là phải xuất bán và chế biến, nếu để lâu hải sản bị chết.
Ông Vũ Ngọc Chắt, Chủ tịch Hội nghề cá xã Quỳnh Long cho biết: “Hiệu quả của nghề nuôi, lưu giữ hải sản là rất lớn. Như vào mùa khai thác ghẹ, ốc các loại, chỉ một chuyến biển nhiều tàu thuyền khai thác được cả trăm kg, nhờ có nghề này mà giá thành sản phẩm bán được cao hơn, không bị mất giá”.
Nuôi hải sản tươi sống đòi hỏi kỹ thuật cao vì một con chết cũng có thể lây sang các con khác. Với những kinh nghiệm qua nhiều năm, hiện nay, các hộ nuôi đã phát huy được hiệu quả của nghề. Không chỉ thu mua hải sản, các cơ sở còn đầu tư mua sắm tàu thuyền, ngư lưới cụ đánh bắt hải sản; bao tiêu sản phẩm cho các tàu thuyền để tăng thu nhập cho người ngư dân, góp phần phát triển nghề khai thác hải sản.