Hiệu quả sản xuất từ mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đã và đang giúp ngành tôm trên địa bàn tỉnh phát triển vượt bậc. Tuy nhiên, muốn phát triển bền vững thì cả doanh nghiệp và nông dân phải nâng cao ý thức bảo vệ môi trường trong sản xuất. Bởi hiện nay, không ít hộ nuôi trên địa bàn tỉnh chỉ chú trọng gia tăng diện tích nuôi, không đầu tư hệ thống xử lý chất thải hoàn chỉnh mà xả thải trực tiếp ra môi trường.
Ông Hồ Thanh Tuấn - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đông Hải, Bạc Liêu cho biết: “Hành động này sẽ tác động rất lớn đến môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình nuôi tôm của chính người dân, doanh nghiệp và tương lai không xa sẽ khó tránh khỏi tình trạng “siêu ô nhiễm”. Vì vậy, song song với việc khuyến khích nông dân phát triển mô hình, huyện Đông Hải cũng quyết liệt xử lý vấn đề môi trường trong nuôi tôm siêu thâm canh như: ra quyết định xử phạt nhiều đơn vị, doanh nghiệp hộ nuôi vi phạm; khuyến khích, hỗ trợ người nuôi đầu tư hệ thống xử lý chất thải, hạn chế tối đa tác động xấu đến môi trường”.
Nước ao nuôi quan trọng đối với tôm, do đó cần chú ý xử lý chất thải. Ảnh: biogasviet.com
Hiện nay, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng siêu thâm ứng dụng công nghệ cao kết hợp hầm biogas xử lý môi trường được nhiều địa phương trong tỉnh triển khai và khuyến khích người nuôi tôm áp dụng phương pháp này như một trong những điều kiện bắt buộc để vừa đảm bảo hài hòa giữa lợi ích kinh tế và môi trường, hướng đến cộng đồng cùng nhau phát triển.
Ông Cao Văn An (xã Điền Hải, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu) chia sẻ “Hiện nay, phương pháp tận dụng chất thải từ ao nuôi làm phân bón, biogas đang là một trong những giải pháp hiệu quả, giúp giải quyết vấn đề chất thải với khối lượng lớn từ hoạt động nuôi tôm siêu thâm canh, giảm thiểu tối đa việc xả thải trực tiếp ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước. Người nuôi cũng tận dụng được nguồn khí từ biogas phục vụ sinh hoạt và một phần nhỏ trong sản xuất”.
Bên cạnh đó, các địa phương còn đặc biệt quan tâm xây dựng các mô hình trình diễn, đồng thời giới thiệu, tuyên truyền nhân rộng các mô hình điển hình ứng dụng công nghệ cao trong nuôi trồng thủy sản gắn với bảo vệ môi trường, giúp bà con nuôi tôm được tận mắt nhìn thấy những kết quả sản xuất nông nghiệp qua việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới. Từ đó họ tin tưởng và tự quyết định làm theo. Ngoài ra, còn thu hút nhiều nông dân ở những nơi khác đến tham quan, học tập và áp dụng.
Có thể nói, mô hình nuôi tôm siêu thâm canh đang được coi là một cuộc cách mạng đối với nghề nuôi tôm hiện nay, nhưng nếu không có giải pháp hiệu quả để bảo vệ môi trường thì khó tránh khỏi tình trạng “siêu ô nhiễm”. Vì vậy, doanh nghiệp, người dân nuôi cần phải đặt vấn đề bảo vệ môi trường lên hàng đầu, cũng là vì tương lai trong quá trình sản xuất - kinh doanh của chính họ.