Đưa chúng tôi đi thăm trang trại nuôi rắn của gia đình, ông Nhung cho biết: Trước đây cuộc sống của gia đình rất khó khăn, tình cờ trong một lần xem ti vi biết đến mô hình nuôi rắn ráo mang lại hiệu quả cao, từ đó tôi quyết định tìm đến những trang trại nuôi rắn lớn ở Tam Điệp (Ninh Bình) hay ở Hà Nam để tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm. Sau khi tìm hiểu kỹ, tôi nhận thấy, nuôi rắn ráo đen phù hợp với điều kiện kinh tế gia đình mình. Tôi bàn với vợ con đầu tư 45 triệu đồng xây chuồng trại và mua 60 con rắn giống về nuôi. Chỉ sau một năm, gia đình tôi đã có thu nhập từ việc bán trứng và bán rắn giống. Giờ đây, trung bình mỗi năm gia đình tôi thu nhập hơn 100 triệu đồng từ việc bán trứng và bán rắn giống.
Ông Nhung không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm nuôi rắn ráo đen. Theo ông Nhung, thức ăn chủ yếu của rắn là cóc, nhái, chuột… Khi cho ăn, thức ăn nên đựng trong thùng, mỗi tuần chỉ cần cho rắn ăn 2 đến 3 lần. Trong chuồng cần có nước để cho rắn tắm và uống. Mùa đông, cần có bóng đèn trong chuồng để giữ ấm cho rắn. Bên cạnh đó nên làm những hốc đá để tạo thành hang động kín đáo, yên tĩnh cho rắn tự do và cũng là nơi để rắn sinh sản.
Thấy được hiệu quả từ mô hình trên của gia đình ông Đinh Văn Nhung, nhiều gia đình trong xã đã tới học hỏi kinh nghiệm để nuôi. Đến nay, nghề nuôi rắn ráo đen đã được nhân rộng ra toàn xã Văn Phú và góp phần tạo việc làm cho người lao động địa phương lúc nông nhàn.