Ông Trần Văn Thức, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh vừa cho biết, qua báo cáo từ cơ sở, hiện nơi đây đã có 170ha nuôi sò huyết thương phẩm.
“Cần thực hiện nghiêm túc việc thực hiện theo các nội dung, phương án đã được duyệt”, ông Thức đề nghị. Ở góc độ quản lý đất đai, ông Trịnh Văn Lên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường: “Dù đất nơi đây được giao theo hình thức nào, đất ven biển hay mặt nước biển thì đối tượng được cơ quan thẩm quyền giao phải sử dụng đúng mục đích theo Luật Đất đai năm 2013”.
Liên quan vấn đề này, ông Lê Văn Bắc, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Việt Khái, huyện Phú Tân: “Đây là khu vực cấm đánh bắt hải sản. Tuy nhiên những hộ nuôi sò huyết thường xuyên dùng lú đánh bắt hải sản trái phép. Qua kiểm tra của đơn vị, phát hiện 8 hộ đặt lú bát quái trong khu vực nuôi để bắt hải sản, thu hồi đến 74 cái lú”.
Trước những bất ổn trên, chiều 5/9, ông Lý Hoàng Tiến, Chủ tịch UBND huyện Ngọc Hiển: “Việc triển khai đã qua chưa theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh. Kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị chủ quản thực hiện đúng quy định, quy trình, bởi đã qua khả năng mùa vụ tới sẽ xảy ra điểm nóng là rất lớn”.
Như Báo ảnh Đất Mũi Online đã phản ảnh, khu vực nuôi sò huyết ở bãi bồi thuộc phân khu bảo tồn biển, do Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau quản lý, nằm giáp ranh các xã Đất Mũi (huyện Ngọc Hiển), Đất Mới, Lâm Hải (huyện Năm Căn) và xã Rạch Chèo, Nguyễn Việt Khái (huyện Phú Tân).
Đầu năm 2016, Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau mở rộng phương án nuôi sò huyết thực nghiệm ở bãi bồi từ 30ha lên 400ha, sau đó hợp đồng cho 14 tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp thuê mặt nước bãi bồi để ương, nuôi sò huyết (Vườn Quốc gia Mũi Cà Mau được hưởng 5% trên tổng lợi nhuận).
Mục đích của phương án, theo UBND tỉnh Cà Mau là nhằm tạo thêm nguồn sò giống tự nhiên cung cấp cho nhân dân địa phương, tạo sinh kế cho cộng đồng dân nghèo sinh sống ven biển bãi bồi, tuy nhiên do không thực hiện đúng theo phương án đã được phê duyệt, nhất là chỉ giới, cắm mốc đã gây nên những bất ổn trong quản lý địa bàn.