Vậy nuôi tôm 3 giai đoạn là gì?
Nuôi tôm 3 giai đoạn, nói một cách dễ hiểu thì đây là một phương pháp nuôi tiên tiến với quy trình và hệ thống nuôi được xây dựng dựa theo 3 giai đoạn trong quá trình phát triển của tôm. Quy trình nuôi của mô hình này cũng được chia thành 3 giai đoạn tương ứng: Giai đoạn ương, giai đoạn 2 và giai đoạn thương phẩm.
Hệ thống ao nuôi được thiết kế gồm 3 ao: 1 ao ương GĐ1 (ao ương vèo), 1 ao nuôi GĐ2, 1 ao nuôi GĐ3 (ao nuôi thương phẩm). Người nuôi sẽ tiến hành sang tôm vào ao nuôi mới theo từng giai đoạn. Ngoài ra, còn có một hệ thống xử lý nước đầu vào và hệ thống xử lý nước thải.
Sơ đồ mô hình ao nuôi tôm 3 giai đoạn điển hình. Ảnh: Tép Bạc
Điểm quan trọng trong mô hình này là việc sử dụng các ao nuôi khác nhau cho từng giai đoạn, đảm bảo rằng tôm được cung cấp môi trường tối ưu để phát triển. Các hệ thống xử lý nước đầu vào và xử lý nước thải cũng đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì chất lượng nước tốt và giảm tác động tiêu cực đến môi trường xung quanh. Mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn thường được kết hợp cùng với các công nghệ khác như Biofloc và RAS (Recirculating Aquaculture System).
Đặc điểm cụ thể và lưu ý cần thiết cho từng giai đoạn
Giai đoạn 1: Giai đoạn ương (khoảng 18 – 20 ngày)
Giai đoạn này bắt đầu khi tôm mới nở và kết thúc khi tôm đạt trọng lượng khoảng 0,5 - 1g. Trong giai đoạn này, tôm được nuôi trong ao ương GĐ1 có diện tích khoảng 50 – 200 m2, hình tròn hoặc vuông, có mái che, được lót bạt HDPE toàn bộ. Hệ thống sục khí được bố trí dàn đều quanh ao (2m2/vỉ khí), tôm được cung cấp thức ăn nhỏ và dễ tiêu hóa.
Tôm giống ương. Ảnh: thuysanbio.com
Một số lưu ý:
Đây là giai đoạn mang tính chất cốt lõi vì ở giai đoạn này, tôm giống còn rất nhỏ, nhạy cảm bởi các yếu tố môi trường bất lợi và dễ nhiễm bệnh. Mục tiêu cần thiết nhất của giai đoạn này là phải hạn chế tối đa dịch bệnh cho tôm.
- Người nuôi cần phải chuẩn bị nước đầu vào thật sạch, các thiết bị lắp ráp ao nuôi giai đoạn 1 cũng cần được diệt khuẩn sạch sẽ.
- Giai đoạn này, bà con có thể bổ sung các men tiêu hóa, khoáng chất (Ca, P,…), vitamin và axit amin thiết yếu (Lysine, Methionine,…) trong khẩu phần ăn cho tôm, nhằm mục đích tăng cường khả năng đề kháng cho tôm, chống lại các tác động xấu từ môi trường bên ngoài.
- Về lượng thức ăn: không nên cho ăn quá nhiều, dễ làm dơ nước, nhằm tránh cho tôm nhiễm bệnh do chất lượng môi trường nước kém.
- Khi sang ao nuôi giai đoạn 2: đảm bảo chất lượng nước ao nuôi mới gần như tương đồng với ao ương giai đoạn 1, nên cho tôm thử nước trước khi sang vào ao giai đoạn 2.
Giai đoạn 2 (khoảng 40 ngày)
Giai đoạn này bắt đầu khi tôm đạt trọng lượng khoảng 0,5 – 1g và kết thúc khi tôm đạt kích thước 10 – 15g. Trong giai đoạn này, tôm được chuyển sang ao nuôi GĐ2 to hơn có diện tích từ khoảng 200 – 250 m2 và được cung cấp thức ăn có kích thước lớn hơn.
Một số lưu ý:
Giai đoạn này, bà con cần tập trung vào các yếu tố dinh dưỡng, môi trường và quản lý dịch bệnh. Đây làm giai đoạn tôm sinh trưởng mạnh nhất.
- Các chế phẩm có thể sử dụng để kích thích tăng trưởng, tăng miễn dịch và phòng ngừa bệnh cho tôm là các loại men vi sinh, vitamin, khoáng chất hoặc chất bổ sung.
- Giai đoạn 2 là giai đoạn thường xuất hiện bệnh gan tụy, phân trắng và ký sinh trùng nhiều nhất. Giai đoạn này bà con cần phòng trị dịch bệnh triệt để, tôm giai đoạn 2 tốt thì vào giai đoạn thu hoạch mới đạt được hiệu suất cao.
- Về lượng thức ăn: nên tính toán lượng thức ăn dựa vào trọng lượng tôm.
- Bên cạnh đó, cần thường xuyên kiểm tra môi trường, dịch bệnh để đề phòng kịp thời.
Giai đoạn 3: Giai đoạn thương phẩm
Giai đoạn này bắt đầu khi tôm đạt trọng lượng khoảng 10 – 15g và kết thúc khi tôm được thu hoạch. Trong giai đoạn này, tôm được nuôi trong bể lớn (ao nuôi GĐ3) diện tích khoảng 500 – 1.500 m2 với thức ăn và điều kiện tốt nhất để tôm đạt được trọng lượng thương phẩm.
Một số lưu ý:
- Ở giai đoạn 3, người nuôi cần tập trung vào việc xử lý môi trường và quản lý thức ăn.
- Một số chế phẩm có thể sử dụng để quản lý môi trường như: Vi sinh xử lý môi trường,... Bên cạnh đó, nên kết hợp siphon đáy ao định kỳ đều đặn, đảm bảo các chỉ tiêu môi trường lý tưởng cho tôm phát triển.
- Lượng thức ăn: cần chú ý lượng thức ăn phù hợp với mật độ và trọng lượng tôm. Tránh trường hợp cho tôm ăn quá nhiều. Lượng thức ăn dư thừa dễ gây ra khí độc, ô nhiễm môi trường nước nuôi. Việc cho tôm ăn nhiều hơn mức cần thiết còn làm tăng hệ số thức ăn, giảm hiệu quả kinh tế.
Cần chú ý quản lý môi trường và thức ăn ở giai đoạn 3. Ảnh: NCN
Ưu điểm và nhược điểm của mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn
Ưu điểm:
- Dễ quản lý, hạn chế ô nhiễm môi trường (do thực hiện sang ao qua từng giai đoạn), từ đó giảm thiểu dịch bệnh cho tôm.
- Giúp theo dõi chặt chẽ quá trình phát triển của tôm.
- Không sử dụng kháng sinh, hóa chất cấm, chủ yếu sử dụng các chế phẩm vi sinh, bảo vệ sức khỏe cho người nuôi và người tiêu dùng.
- Giảm được rủi ro về tác động của môi trường: thời tiết, dịch bệnh, biến đổi khí hậu (nắng nóng kéo dài),…
- Chi phí thức ăn, chế phẩm vi sinh, khoáng và hóa chất xử lý nước giảm 1/3 – 1/2 so với cách nuôi truyền thống, năng suất và chất lượng tôm thương phẩm cao.
Nhược điểm:
- Yêu cầu diện tích nuôi lớn.
- Nguy cơ tôm bị sốc nhiệt khi chuyển giai đoạn.
- Chí phí đầu tư ban đầu khá cao và chỉ phù hợp với các vùng nước cấp dồi dào.
Nhìn chung, mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn là một phương pháp nuôi tôm mang lại hiệu quả cao, bền vững, có nhiều ưu thế so với phương pháp nuôi truyền thống, đảm bảo chất lượng tôm và bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, phương pháp này cũng tồn tại một số nhược điểm nhất định.
Mỗi giai đoạn nuôi cũng có những yêu cầu kỹ thuật và chế phẩm sinh học riêng. Do đó, người nuôi cần nhắc các yếu tố về điều kiện địa lý, kinh tế và kỹ thuật để có thể ứng dụng mô hình nuôi tôm 3 giai đoạn một cách thành công nhất.