Trong bối cảnh giá tôm sụt giảm kéo dài, tôm nuôi thiệt hại nhiều năm, ông Tạ Thanh Tròn quyết định gom hết vốn liếng, tài sản còn lại đầu tư chuyển đổi sang mô hình CPF - Combine vision 2. Do vốn đầu tư không còn nhiều, nên ông Tròn chỉ đưa được 2 ha vào thực hiện mô hình, gồm: 2 bồn tròn nổi theo CPF - Combine vision 2, diện tích1.000 m2/bồn và 1 ao 1.000 m2 theo mô hình CPF - Combine (ao bạt trên đất), còn lại là ao lắng, ao xử lý, ao sẵn sàng. Quyết định lần này của ông Tròn là rất đúng đắn khi ngay vụ nuôi đầu tiên ông đã thu hoạch được 6,4 tấn tôm cỡ 24 - 25 con/kg, bán được 1,1 tỷ đồng, lợi nhuận 500 triệu đồng. Ông Tròn bộc bạch: “Tôi tin tưởng hoàn toàn và áp dụng đúng theo quy trình do C.P. Việt Nam hướng dẫn. Cũng có người khuyên tôi nên dùng chế phẩm vi sinh để nhẹ công chà bạt, nhưng tôi thấy nó không hiệu quả bằng phương pháp của C.P. Việt Nam nên nhất quyết không làm theo dù phải tốn 500.000 đồng cho mỗi ngày chà bạt”.
Đưa chúng tôi cùng đoàn nông dân ở huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng ra tham quan 2 bồn đang nuôi tôm vụ 2, ông Tròn luôn miệng khoe: “Tôm mau lớn lắm, vụ này tôi tiếp tục cầm chắc thắng lớn”. Ông Tròn lại nói vui: “Đúng là mình tên Tròn lại nuôi tôm bằng ao tròn nên kết quả cũng rất tròn”. Phải công nhận là tôm của ông Tròn mau lớn thật. Với mật độ thả nuôi đến 200 con/m2 và tôm chỉ mới 80 ngày, nhưng qua chài tôm lên kiểm tra cho thấy, 1 bồn tôm đã đạt cỡ 29 con/kg, bồn còn lại cũng đạt 33 con/kg. Với lượng thức ăn hiện tại mỗi ngày của 2 bồn khoảng 200 kg, ước tính sản lượng tôm hiện có trong 2 bồn khoảng 7 tấn. Riêng ao CPF - Combine ông thả mật độ 120 con/m2, cũng đạt size 34 con/kg, sản lượng ước khoảng 3,5 tấn.
Tuy nhiên, ông Tròn tâm sự: “Hồi nào giờ nuôi ao đất đâu có vụ nào đạt năng suất đến cỡ này, dù mỗi ao nuôi lên đến 4.000 - 5.000 m2. Vậy mà ở 2 vụ nuôi năm nay vụ nào cũng thu trên 3 tấn mỗi ao. Phải chi hồi đó làm sớm một chút thì đâu đến nỗi”. Được biết, ngoài nuôi tôm, trước đây ông Tròn còn là một thương lái chuyên thu mua tôm cung ứng cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trong tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, do nghề nuôi tôm ngày một khó khăn, nên vốn liếng và cả lợi nhuận từ mua bán tôm của ông cứ “bốc hơi” dần theo những lần tôm nuôi bị thiệt hại. Ông Tròn bùi ngùi kể: “Bao nhiêu vốn liếng tích cóp được đều bị con tôm ăn hết, vì nuôi trúng thì ít mà chết thì nhiều. Cũng may là mình kịp thời bỏ nuôi ao đất, gom góp vốn liếng, tài sản còn lại đầu tư nuôi theo mô hình của C.P. Việt Nam mới có được thành công trở lại”.
Đưa mắt nhìn về cánh đồng tôm rộng lớn xung quanh, ông Tròn lắc đầu ngao ngán: “Thấy nước mênh mông vậy chớ chết gần hết rồi. Bây giờ nuôi tôm thẻ bằng ao đất thì khó ăn lắm. Vậy chứ mình nói họ không có nghe đâu, ngay cả thằng em, tôi khuyên hoài cũng không chịu nghe theo, đến khi tôm có vấn đề mới chạy tới kêu tôi đi giúp thì làm sao mà giúp được”. Có lẽ chỉ có những người đã từng trả giá đắt cho những thất bại như ông Tròn mới hiểu hết ý nghĩa và giá trị của việc ứng dụng khoa học công nghệ vào nuôi tôm.
Hiện tại, do giá tôm cỡ lớn đang ở mức cao cùng với việc tôm đang phát triển tốt nên ông Tròn chưa vội thu hoạch mà tiếp tục nuôi thêm để đưa tôm về cỡ lớn hơn, nhằm thu sản lượng và lợi nhuận cao hơn. Ông Tròn cho biết: “Vụ trước tôi nuôi tôm đạt cỡ 24 - 25 con/kg rồi, nên vụ này này cố gắng nuôi về cỡ 20 con/kg vì giá tôm loại này hiện trên 190.000 đồng/kg. Theo tính toán nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, thì giá thành chỉ khoảng 90.000 đồng/kg hoặc hơn chút đỉnh thôi, nên nếu thu hoạch cỡ 20 con/kg thì 1 vốn 1 lời. Đó là chưa kể khi tôm đạt cỡ 20 con/kg thì sản lượng mỗi bồn tăng lên khoảng gấp rưỡi hiện tại, nên tổng lợi nhuận sẽ lớn hơn nhiều so với vụ đầu”.