Ông Nguyễn Văn Bảy, Chủ nhiệm Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Phong Thạnh ở ấp 19A, xã Phong Thạnh phản ánh, từ đầu năm 2020 đến giờ 65 công vuông của ông chưa thu hoạch được con tôm nào, các xã viên khác cũng gặp hoàn cảnh tương tự. Ông Phạm Văn Sơn, xã viên hợp tác xã Phong Thạnh đã nuôi tôm quảng canh khoảng 30 năm, mỗi năm thu nhập khoảng 500 - 700 triệu đồng. Từ 2 - 3 năm trở lại đây, khi trên địa bàn xã và một số xã giáp ranh có vài hộ nuôi tôm công nghiệp thì tình hình sản xuất tôm của ông đi xuống rõ rệt, thu nhập chỉ còn trên 100 triệu đồng. Hợp tác xã và xã viên cho rằng có nhiều nguyên do dẫn đến chuyện này, và không loại trừ việc nuôi tôm công nghiệp xả chất thải, nước thải chưa qua xử lý thẳng ra các dòng kênh.
Hợp tác xã cho biết, trên địa bàn ấp 19A và ấp 20, xã Phong Thạnh có 2 cơ sở nuôi tôm công nghiệp; còn ở ấp 18, xã Phong Tân có cơ sở nuôi tôm công nghiệp quy mô lớn nhất, nằm cặp kênh xáng Giá Rai - Phó Sinh. Theo người dân xã Phong Thạnh, họ đã 4 lần báo chính quyền xã xuống hiện trường lấy mẫu xét nghiệm ngay khi phát hiện các hộ nuôi tôm công nghiệp ở Phong Thạnh xả thải ra môi trường bên ngoài vào ban đêm. “Cán bộ xã lấy mẫu nước ngay tại hầm chứa nước thải cơ sở của ông Quân, ngụ ấp 19A, nhưng kết quả kiểm nghiệm không thông báo cho dân biết”, ông Sơn trình bày.
Về vấn đề này, ông Lâm Ngọc Giàu, Chủ tịch UBND xã Phong Thạnh thông tin: diện tích nuôi tôm quảng canh của địa phương khoảng 3.000ha; còn hộ nuôi tôm công nghiệp quy mô nhỏ, không phải làm báo cáo đánh giá tác động môi trường theo Quyết định 01 của UBND tỉnh. Xã đã buộc các hộ nuôi tôm công nghiệp cam kết nếu tôm bị thiệt hại phải báo với cán bộ phụ trách nuôi trồng thủy sản để phối hợp với Phòng Kinh tế và Phòng TN-MT huyện xử lý. Huyện cấp miễn phí dung dịch cho hộ nuôi xử lý, bảo vệ môi trường. Do đó, vị lãnh đạo này khẳng định việc nuôi tôm công nghiệp ở xã Phong Thạnh tác động không nhiều đến hộ nuôi tôm quảng canh.
Còn đối với cơ sở nuôi tôm công nghiệp ở ấp 18, xã Phong Tân, một số người dân cho biết nó ảnh hưởng trực tiếp khu vực trồng lúa của xã Phong Tân và việc nuôi tôm của xã Phong Thạnh A. Tuy nhiên, những hộ dân ở 2 xã này đều lo ngại, không dám tố giác. Một hộ dân ấp 18, xã Phong Thạnh A - nằm đối diện cơ sở nuôi tôm công nghiệp ấp 18, xã Phong Tân cho hay: “Mùi hôi thối không chịu nổi, mùa gió nam còn đỡ, còn gió chướng là… chết giấc. Cơ sở này có một cống xả tôm bể (tôm bị bệnh, tôm chết) thẳng ra kênh xáng Giá Rai - Phó Sinh, ngay cửa cống xác tôm chất dày cao hơn đầu gối”. Gia đình này có 5 trẻ nhỏ, nên mùi hôi thối từ cơ sở nuôi tôm công nghiệp bay qua khiến họ lo lắng cho sức khỏe các cháu. Người nuôi tôm ở Phong Thạnh A không dám lấy nước từ kênh xáng Giá Rai - Phó Sinh vào ao, vào láng, mà phải chờ lấy nước từ kênh xáng Hộ Phòng - Chủ Chí.
Được biết, chủ cơ sở nuôi tôm công nghiệp ở ấp 18, xã Phong Tân là ông Nguyễn Ngọc Tài - Giám đốc Công ty Sản xuất bao bì Đình Duy (phường Hộ Phòng, TX. Giá Rai). Ông Tài vào đây mua hơn 50ha đất cách đây 5 năm, cải tạo thành khu nuôi tôm thẻ và cá lóc, giải quyết việc làm cho hơn 20 lao động phổ thông. Việc nuôi thủy sản của cơ sở này, theo ngành TN-MT, có những lúc không đảm bảo, đã bị xử phạt hành chính. Về phía xã Phong Tân, đồng chí Lý Quốc Đấu, Bí thư Đảng ủy xã cung cấp thông tin: “Xã không quy hoạch nuôi tôm, do đất trũng phèn và cặp ranh đất trồng lúa. Cơ sở nuôi tôm công nghiệp ở ấp 18 tự phát, nhưng do đảm bảo nguồn nước nên cho tồn tại”. Xã Phong Tân là vùng trồng lúa, chỉ có khoảng 150ha vùng mặn.
Bên cạnh phản ánh ô nhiễm từ việc nuôi tôm công nghiệp, người nuôi tôm quảng canh ở xã Phong Thạnh cũng kiến nghị Nhà nước mở cống cho dân lấy nước 3 ngày/lần để hạ độ mặn trong ao vuông, giúp tôm lột xác tốt hơn. Hiện tại, theo bà con mỗi tháng đơn vị vận hành cống mở van 2 lần, nên nước trong ao tôm sắc lại, độ mặn trên dưới 45‰.