Chưa phát hiện chất cấm
Theo Bộ NN&PTNT, thời gian qua nhiều lô hàng xuất khẩu tôm của Việt Nam bị các nước EU và Nhật Bản liên tục trả lại do phát hiện dư lượng kháng sinh. Trong đó nổi bật là Chloramphenicol - kháng sinh có thể diệt khuẩn ở nồng độ cao được người nuôi tôm thường sử dụng. Một chất khác là Enrofloxacin - kháng sinh có tác dụng kháng khuẩn, giúp tôm nuôi ít bị tấn công gây bệnh cũng được nông hộ hay sử dụng. Các chất này đã được Bộ NN&PTNT đưa vào danh sách cấm sử dụng. Ông Phan Quang Dũng - Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản Quảng Nam khẳng định, 2 chất này không phát hiện trên tôm thương phẩm tại Quảng Nam. Theo ông Dũng, trong các mẫu kiểm tra được lấy khi tôm nuôi thu hoạch ở 6 địa phương nuôi tôm của Quảng Nam không hề có 21 chất kháng sinh cấm sử dụng trong nuôi thủy sản. Từ năm 2012 đến nay, theo hợp đồng đã ký với Cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản (Bộ NN&PTNT), ngành chức năng đã tiến hành lấy hơn 400 mẫu tôm thương phẩm nhưng không phát hiện dư lượng kháng sinh. “Kháng sinh tồn dư trên tôm thương phẩm có thể có do người nuôi sử dụng hoặc cơ sở thu mua bơm vào để bảo quản sản phẩm. Với chức trách của mình, chúng tôi đã sàng lọc, kiểm tra kỹ càng nhưng chưa phát hiện kháng sinh tồn dư. Đây là điều rất thuận lợi để tôm thương phẩm được nuôi từ Quảng Nam có thể xuất khẩu thuận tiện cũng như đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng nội địa” - ông Dũng nói.
Bà Phạm Thị Hoàng Tâm - Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Nam cho rằng, dư lượng kháng sinh nếu bị phát hiện trong tôm thương phẩm là do nhiều yếu tố. Thứ nhất là do người nuôi tôm không tuân thủ về quy trình sử dụng kháng sinh trong khi nuôi. Thứ 2 là dùng các chất kháng sinh bị cấm sử dụng. “Chúng tôi đã tuyên truyền rất cụ thể rằng, người nuôi tôm không được sử dụng kháng sinh trước ngày thu hoạch để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Danh mục các chất kháng sinh cấm sử dụng do Bộ NN&PTNT ban hành cũng đã được phổ biến rộng rãi ở 6 địa phương ven biển. Việc không phát hiện dư lượng kháng sinh trong tôm thương phẩm là rất đáng mừng, cho thấy chủ trương phát triển thủy sản bền vững đi đúng hướng” - bà Tâm nói.
Cũng theo bà Tâm, tôm thương phẩm lưu thông trên địa bàn Quảng Nam không có tạp chất. “Đối tượng thủy sản chủ lực được nuôi ở miền Nam là con tôm sú có trọng lượng rất lớn, người tiêu dùng rất khó nhận biết khi bị bơm tạp chất nên các cơ sở thu mua tôm lợi dụng. Còn ở Quảng Nam, tôm thẻ chân trắng có kích cỡ nhỏ hơn rất nhiều nên khó có thể bơm tạp chất. Tạp chất trong con tôm thường là nước, sương sa, sương sáo không gây hại sức khỏe người sử dụng nhưng không thể chấp nhận được vì là gian lận thương mại. Rất may là tình trạng này đã chưa diễn ra ở Quảng Nam” - bà Tâm khẳng định.
Vì con tôm sạch
Theo ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, việc lấy mẫu và không phát hiện các chất tồn dư kháng sinh trên tôm thương phẩm của Chi cục Quản lý chất lượng nông - lâm - thủy sản Quảng Nam đã cho thấy nuôi tôm trên địa bàn tỉnh đi vào quỹ đạo nuôi sạch. Điều này được chứng minh từ năm 2012 đến nay, qua hơn 400 mẫu xét nghiệm, ở cả 6 địa phương ven biển là đáng ghi nhận. Ông Tấn cho rằng, kháng sinh vẫn được sử dụng để điều trị bệnh cho tôm. Điều này là chuyện tất nhiên nên vấn đề đặt ra là phải sử dụng các chất kháng sinh không bị cấm, sử dụng đúng liều lượng và không sử dụng 4 tuần trước khi thu hoạch. Chỉ có vậy mới đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Điều quan trọng nhất là để hạn chế sử dụng kháng sinh, người nuôi cần phải khống chế ở mức có thể các yếu tố gây bệnh trên tôm nuôi. Bởi vậy, việc đầu tư nuôi tôm đồng bộ, từ cải tạo ao, sử dụng con giống sạch bệnh, lắng lọc nguồn nước nuôi tôm tốt, quản lý, chăm sóc tôm nuôi đúng quy trình là hết sức cấp thiết. “Khi người nuôi bán tôm thương phẩm cho các đơn vị thu mua có uy tín, họ sẽ kiểm tra kỹ dư lượng kháng sinh. Nếu phát hiện thì họ sẽ không mua hàng và người nuôi chịu thiệt hại rất lớn. Bởi vậy, cùng với tuyên truyền cho người nuôi, chúng tôi cũng hướng dẫn họ sử dụng men vi sinh, thuốc bổ tăng sức đề kháng giúp tôm miễn dịch tốt, hiếm khi bị bệnh tấn công” - ông Tấn nói.
Mới đây, Bộ NN&PTNT ban hành kế hoạch kiểm soát tồn dư hóa chất, kháng sinh và ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm thương phẩm. Mục đích để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, giúp người tiêu dùng sử dụng sản phẩm sạch và mở rộng thị trường xuất khẩu. Bộ NN&PTNT kỳ vọng đến hết năm 2018, chấm dứt tình trạng sử dụng chất cấm, lạm dụng hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y trong sản xuất và kinh doanh tôm thương phẩm. Ngày 13.12, Thủ tường Chính phủ cũng đã ký quyết định phê duyệt đề án kiểm soát, ngăn chặn hành vi đưa tạp chất vào tôm nguyên liệu và sản xuất, kinh doanh sản phẩm tôm có tạp chất. Theo đó, đến hết năm 2018, chấm dứt tình trạng tôm nguyên liệu có tạp chất, hóa chất, kháng sinh; khẳng định thương hiệu tôm sạch trên phạm vi cả nước. Tại Quảng Nam, để khuyến khích nuôi tôm sạch, bền vững, UBND tỉnh cũng vừa ban hành cơ chế hỗ trợ nuôi thủy sản trên địa bàn tỉnh có hiệu lực từ ngày 18.12. Theo đó, Quảng Nam sẽ hỗ trợ thiết thực trong tạo tôm giống sạch, đầu tư hạ tầng nuôi tôm, quy trình nuôi tôm sạch.