Tầm 10h sáng nhưng trên vùng nuôi tôm Phúc Lộc thuộc thôn Phúc Thanh (Thạch Khê) không một bóng người. Như thường lệ, vào thời gian này, hàng chục người dân đang bám hồ chăm sóc tôm, nhưng năm nay tôm bị chết nên người dân chẳng buồn ra đầm.
Trong hàng chục hồ nuôi, nhiều hồ đang phơi đáy, có hồ vừa rắc vôi khử trùng, có hồ đầy ắp nước nhưng ít hồ được thả nuôi. Ngoài kênh, nước, rác bẩn thỉu, cỏ dại mọc đầy như chứng minh thêm cho vùng nuôi vừa trải qua một vụ tôm thất bát…
Một ao nuôi đang được xử lý bằng vôi bột sau vụ nuôi bị dịch bệnh nặng nề.
Ông Hoàng Đức Lâm - người có thâm niên nuôi tôm, cua từ gần 20 năm nay, buồn bã: “Tôi sống chết với nghề nuôi tôm, cua từ gần 20 năm nay. Trước đây chúng tôi nuôi quảng canh, mỗi năm thu về nhiều lắm thì cũng cỡ trên 100 triệu. Năm 2014, xã quy hoạch, xây dựng vùng nuôi tôm tập trung 12 ha tại vùng Phúc Lộc, chúng tôi phấn khởi vô cùng. Với diện tích 1,2 ha, có năm tôi thu lãi 500 triệu đồng.
Thế nhưng, năm nay, cũng như hầu hết các hộ ở đây, tôm bị bệnh gan tụy và phân trắng, chết gần như 100%. Tôi thả 1 triệu tôm giống, nuôi đến 45 ngày thì chết hết, tính ra lỗ mất 200 triệu đồng. Hiện tại, tôi đang xả hồ và chưa nuôi lại. Mất lớn quá nên cũng đang rất nản".
Nước lấy vào ao nuôi và nước xả hồ đều chảy chung ra con kênh của vùng nuôi.
Không riêng ông Lâm mà toàn bộ 100% hộ nuôi tại vùng nuôi tôm tập trung của Thạch Khê đều bị thất bát. Nếu như năm cao nhất là năm 2015, đạt 108 tấn, năm 2016 đạt 90 tấn, thì cả vụ xuân hè này, 16 hộ nuôi nơi đây chỉ thu được 11 tấn, bán với giá trung bình 40 ngàn đồng/kg. So với các vụ trước, năm nay, người nuôi tôm Thạch Khê mất trắng hàng tỷ đồng.
Hệ thống cấp nước từ bể lắng về các hồ nuôi bị không phát huy tác dụng.
Ông Hồ Viết Lý - cán bộ chuyên trách nông nghiệp xã Thạch Khê cho hay: Vụ tôm năm nay mất mùa nặng nề có thể do hệ thống cấp nước bị ô nhiễm. Lẽ ra, phải có hồ lắng để lấy nước đảm bảo vào hồ nuôi; có hồ xả để xử lý nước thải từ ao nuôi ra đạt đến độ an toàn theo quy định rồi mới xả ra môi trường tự nhiên. Do vùng nuôi này không có hồ lắng, hồ xả, người nuôi lấy nước trực tiếp ở kênh và xả nước trực tiếp ra đây nên xảy ra dịch bệnh là điều khó tránh khỏi.
Những năm trước, do mới đưa vào nuôi nên kênh còn sạch, nước lưu thông nhanh; nhưng do nhiều năm nay xả thải ra đây, đáy kênh bị bồi lắng, gây tắc tụ, dẫn đến ô nhiễm ngày càng nặng khiến tôm bị dịch bệnh. Khi triển khai dự án, có hạng mục đầu tư hệ thống cấp nước, hồ lắng, hồ xả, nhưng đang thi công dở thì bị vướng một số quy định, phải dừng. Do vậy, cả 12 ha này không có hồ lắng, hồ xả.
Người nuôi tôm bất đắc dĩ lấy nước vào hồ nuôi từ con kênh vừa xả thải, vừa cấp nước này
Ông Lý nói thêm: “Tôm được xã xác định là sản phẩm chủ lực. Bên cạnh 12 ha trên, xã còn 14 ha tại khu vực hói Cây Đa đã đưa vào quy hoạch nuôi tôm công nghiệp, nhưng ngặt nỗi chưa kêu gọi được dự án vào đầu tư xây dựng. Chúng tôi mong muốn Nhà nước đầu tư hệ thống hồ lắng, hồ xả, trạm bơm để địa phương khai thác hiệu quả tiềm năng lợi thế, giúp người dân có tư liệu sản xuất, góp phần quan trọng trong việc xây dựng NTM ở địa phương".