Báo cáo mới nhất của Cục Thú y thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy tổng diện tích thiệt hại này chiếm khoảng 10% tổng diện tích nuôi cả nước, tăng 26% so với năm 2015.
Diện tích nuôi thâm canh, bán thâm canh bị thiệt hại khoảng 18.000 héc ta, nuôi quảng canh là 35.921 héc ta và còn lại là các hình thức nuôi khác như tôm-lúa, tôm xen cua hoặc cá.
Điểm đáng chú trong báo cáo này là diện tích tôm nuôi bị thiệt hại do các loại dịch bệnh đã giảm đáng kể so với năm trước đó. Tuy nhiên, tôm nuôi bị thiệt hại nhưng chưa xác định được nguyên nhân vẫn chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại.
Cụ thể, báo cáo của Cục Thú y cho biết tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại do các loại dịch bệnh trong năm 2016 khoảng 11.305 héc ta, giảm 36% so với năm trước đó; chưa xác định được nguyên nhân là 14.046 héc ta, chiếm khoảng 20% tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại trong năm 2016; và phần còn lại là bị thiệt hại do biến đổi của môi trường, thời tiết.
Đối với phần diện tích tôm nuôi bị thiệt hại do các loại dịch bệnh, bệnh hoại tử gan tụy cấp đã xảy ra tại 305 xã của 82 huyện, thị xã thuộc 25 địa phương trong cả nước với tổng diện tích bị thiệt hại là trên 6.330 héc ta, chiếm trên 50% tổng diện tích tôm nuôi bị thiệt hại do dịch bệnh.
Theo Cục Thú y, thời tiết biến đổi, nắng nóng kéo dài dẫn đến thiếu nước, nhiệt độ ao nuôi tăng và độ mặn tăng cao làm tôm yếu, tạo điều kiện cho mầm bệnh phát triển, gây thiệt hại.