Cuộc sống của người dân đã thay đổi từng ngày. Tất cả đều nhờ vào con tôm sú. Xã Tân Dân có trên 1.000 hộ (6.148 nhân khẩu), hầu hết các hộ nuôi tôm sú đều kết hợp với nuôi cua và sò. Hộ nào cũng ăn nên làm ra, một số khá giả và giàu lên nhờ cần cù chịu khó và áp dụng tốt tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Trong số những người nuôi tôm thành công đáng kể nhất là hộ ông Trịnh Hồng Quan. Ông Quan lúc mới về đây còn là hai bàn tay trắng, vậy mà sau một thời gian lập nghiệp, gắn bó lâu dài với con tôm, con cua và mảnh vườn, ông đã xây dựng được một cơ ngơi bề thế, nhà cửa đầy đủ tiện nghi, có cả máy vi tính, cài đặt WiFi, con cái ăn học thành tài.
Với 3 ha mặt nước, nhiều năm qua ông đã nuôi tôm sú theo mô hình quảng canh cải tiến, kết hợp với nuôi cua biển. Theo kinh nghiệm của ông, muốn cho con tôm phát triển mạnh, mau lớn, ít gặp rủi ro, trước hết phải chú ý đến môi trường nước sao cho thật sạch, kế đến là con giống phải mạnh và tuân thủ thả đúng lịch thời vụ.
Thông thường mỗi tháng ông thả con gióng một lần, 20.000 - 40.000 con sú và 2.000 - 3.000 con cua. Ngoài ra còn phải chú ý chăm sóc và phòng bệnh cho tôm. Muốn vậy, mỗi năm ông đều sên vét hầm một lần, cống xả nước vô ra lưu thông, bảo đảm nguồn nước sạch, không có cặn bả. Mỗi lần sổ tôm xong ông đều cho nước vào đầy vuông, bảo đảm an toàn.
Với cách làm đó, ông Quan đã nhiều năm liền đạt năng suất cao. Tôm bắt xong có người đến thu mua tại chỗ. Ngoài nuôi tôm sú ông còn thả thêm cua biển, mỗi tháng kiếm thêm vài triệu đồng. Ông cho biết dựa vào con nước lớn ròng, mỗi tháng ông sổ bắt tôm hai lần. Lần nhất vào các ngày đầu tháng và lần hai vào các ngày 15, 16, 17 âm lịch.
Với 3 ha mặt nước, mỗi lần sổ tôm ông Quan thu hoạch từ vài chục kg đến 150 kg. Theo thời giá hiện nay, tôm loại 20 con/kg có giá 240.000đ; loại 30 con/kg có giá và 130.000đ. Cua cũng thu hoạch quanh năm. Sau 4 - 5 tháng là cua trưởng thành, mỗi con có thể cân nặng từ 0,5 - 1kg, bán với giá từ 250.000 - 350.000đ/kg. Riêng cua rạch son có giá gấp đôi. Nếu quy ra thành tiền, mỗi năm sau khi trừ hết các chi phí ông còn lời khoảng 300 triệu đồng.
Vuông tôm rộng 3 ha của ông Trịnh Hồng Quan
Nhờ chịu khó học hỏi và áp dụng biện pháp đa canh nên hiệu quả ngày càng cao, đời sống gia đình ngày càng ổn định. Ông phấn khởi cho biết từ nhiều năm qua, số người nuôi tôm quảng canh ở Đầm Đơi rất thuận lợi, tôm ít bị bệnh nên chưa bao giờ thất thoát.
Tuy nhiên, do thời tiết diễn biến phức tạp, năm nào rủi ro, nguồn nước bị nhiễm bẩn hoặc con giống chất lượng kém, người nuôi cũng phá huề, ít có trường hợp bị trắng tay như người nuôi tôm công nghiệp.
Điều mà ông lo lắng nhất là việc bà con sên vét ao vuông bằng máy bơm, tất cả cặn bã, rác rến đều xả ra sông. Tình trạng nầy nếu không khắc phục, không bao lâu nữa các con sông sẽ bị lấp cạn, môi trường nhiễm bẩn sẽ tràn lan, có thể làm ảnh hưởng đến môi trường nước trong vuông, hậu quả không lường được.
Ông Trịnh Văn Xinh ở ấp Tân Phú, cùng xã cũng khẳng định người nuôi tôm chỉ có lời nhiều hoặc ít chứ không bao giờ lỗ. Nuôi tôm quảng canh có nhiều cái lợi, một là khỏi phải tốn tiền đầu tư thức ăn, hai là tôm nuôi ít bị bệnh nhờ môi trường nước ít bị nhiễm bẩn do dư lượng thức ăn tồn đọng như nuôi công nghiệp. Nhưng muốn đạt hiệu quả cao, người nuôi phải có kinh nghiệm, phải biết tính toán và tuân thủ các quy trình kỹ thuật.
Bản thân ông cũng nuôi tôm sú trên một diện tích 5ha, năm nào cũng lãi vài trăm triệu, chưa kể tiền bán cua. Hoặc như ong Nguyễn Văn Thượng cũng ở ấp Tân Hiệp, một nông dân thành đạt nhờ nuôi tôm và thực hiện tốt chủ trương đa cây đa con của huyện.
Diện tích nuôi tôm ở Đầm Dơi hiện nay đã tăng lên đến 10.000 ha, hàng trăm nông dân được tuyên dương là nông dân sản xuất giỏi các cấp, trong đó ấp Tân Hiệp, xã Tân Dân cũng có nhiều hộ sản xuất giỏi, góp phần tích cực vào việc xây dựng nông thôn mới. Được vậy là nhờ tinh thần cần cù sáng tạo, vừa học vừa làm và tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình cải tạo ao và khâu xử lý nước theo khuyến cáo của ngành thủy sản.
Ông Trương Văn Hạnh (Hai Hạnh) Trưởng ấp Tân Hiệp phấn khởi cho biết bà con trong ấp đã tích cực phấn đấu, đẩy mạnh chăn nuôi và sản xuất, chủ yếu là con tôm, góp phần xây dựng nông thôn ngày càng giàu đẹp. Bình quân một người nuôi tôm đúng kỹ thuật năng suất bình quân mỗi ha đạt 600kg/năm, nếu quy ra thành tiền được 100 triệu đồng, chưa kể nguồn thu từ con cua, con sò.
"Hiện ấp Tân Hiệp có 326 hộ (gần 1.000 nhân khẩu), trong đó có 96% hộ nuôi tôm sú, đa phần đều nuôi theo mô hình quảng canh cải tiến. Nhờ nuôi tôm mà 65% hộ dân trong ấp đã vươn lên hộ khá và giàu, điển hình như ông Trịnh Hồng Quan. Điều đáng mừng là từ trước tới nay chưa có một hộ nào nuôi theo mô hình quảng canh mà bị trắng tay hoặc nợ nần", ông Hai Hạnh chia sẻ.