Nếu nhắc đến công nghệ nuôi tôm trên cạn phải nhắc đến các trang trại ở Mỹ, điển hình như Công ty Blue Oasis, trang trại Karlanea Brown...
Trại nuôi tôm của Blue Oasis Pure Shrimp được xây dựng trên mảnh đất khô cằn giữa hoang mạc Mojave, cách Las Vegas 30 dặm. Mỗi vụ, trại nuôi hàng ngàn tôm thẻ giống Thái Bình Dương bằng bể chứa nước mặn trong nhà kính có hệ thống kiểm soát nhiệt độ hiện đại. Nhiều người từng nghĩ, mô hình này quá viển vông và mạo hiểm vì Majave không phải là mảnh đất thích hợp để nuôi trồng. Tuy nhiên, Kevin McManus, Giám đốc điều hành Blue Oasis khẳng định trại nuôi tôm sẽ thành công nhờ công nghệ nuôi hiện đại, độc đáo. Đối tượng khách hàng mà Công ty nhắm tới là các chuỗi nhà hàng, khách sạn hạng sang ở Las Vegas. Với khách hàng này, giá cả không phải là điều tiên quyết, mà tôm phải đảm bảo 3 tiêu chí: bền vững, sinh thái và nội địa.
Nói về quy trình, Kevin chia sẻ: Trại chỉ nuôi tôm trong 120 ngày nhưng luôn kiểm soát chặt chẽ nhiệt độ 800F. Tôm được nuôi bằng hỗn hợp tảo biển và đạm thủy sản, tối đa 12 cữ ăn/ngày; năng suất trung bình 450.000 pound/năm. Blue Oasis tái sử dụng toàn bộ nguồn nước trong quá trình nuôi để tiết kiệm nước tối đa. Công ty sẽ mở rộng trại nuôi tôm ở New York, Dallas, Chicago và những thành phố chính ở Mỹ.
Karlanea Brown là một trong những trại nuôi tôm trong nhà điển hình tại vùng lục địa Indiana nước Mỹ. Xung quanh không có biển, nhưng trang trại này lại đảm bảo cung cấp tôm siêu sạch, giá rẻ, bền vững với nguồn gốc xuất xứ minh bạch. Năm 2010, Brown mới bắt đầu nuôi tôm và tới nay đã trở thành trại nuôi tôm lớn nhất ở lục địa Indiana (một tiều bang của Mỹ)- và là một trong những trại nuôi tôm trên cạn hàng đầu tại Mỹ. Gia đình Brown nuôi tôm thẻ chân trắng trong nhà bằng các bồn nhựa lớn có thiết bị lọc tuần hoàn. Bồn nuôi tôm thực chất giống một bể bơi, có máy sục khí nhằm giữ cho vi khuẩn ở thể vẩn - đây là hệ thống nuôi tôm dựa trên nghiên cứu của Texas A&M và được gia đình Brown cải tiến. Nước nuôi tôm sạch đã giúp trang trại không tốn chi phí sử dụng kháng sinh và Brown là một trong số 11 trại nuôi tôm thành công ở Indiana.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, hướng tiếp cận nuôi tôm bền vững như mô hình của Brown cũng có hạn chế: hệ thống tái tuần hoàn thường phải sử dụng bột cá làm thức ăn. Nguyên liệu chế biến bột cá chủ yếu từ các loài cá nhỏ, sống theo đàn như cá mòi, cá cơm ngoài khơi biển Thái Bình Dương thuộc Nam Mỹ - vốn được khai thác bằng lưới kéo hoặc các ngư cụ mang tính hủy diệt. Như vậy, đây là nguồn thức ăn nuôi tôm không bền vững. Và để khắc phục tình trạng này, các trại nuôi tôm tại đây không ngừng nghiên cứu để tìm ra nguồn thức ăn thay thế có nguồn gốc thực vật như tảo hoặc đậu nành, côn trùng.
Nuôi tôm trên cạn tại Brazil
Ở Brazil mô hình nuôi tôm trên cạn mật độ cao có thể tái sử dụng nước, không sử dụng kháng sinh của Công ty Camanor Produtos Marinhos Ltda, được nhiều chuyên gia đánh giá cao và khuyến cáo các quốc gia có điều kiện tự nhiên tương tự nghiên cứu, học hỏi.
Đóng tại Barra - thủ phủ của nghề nuôi tôm Brazil - Công ty Camanor trong quá trình phát triển luôn phải loay hoay nghiên cứu, ứng dụng nhiều mô hình nuôi để đối phó với vấn đề sản xuất tôm không hiệu quả, tôm chết hàng loạt. Năm 2013, Công ty cho ra đời một công nghệ nuôi tôm AquaScience.
Công nghệ AquaScience được phát triển dựa trên sự tích hợp nhiều hệ thống và ý tưởng như sản xuất tôm nước mặn, sản xuất cá rô phi phụ phẩm, tái chế, khử trùng và tái sử dụng nước. Tất cả chúng được kết nối trong một hệ thống nuôi trồng, trong khi vẫn tồn tại độc lập. Với nó, bạn có thể nuôi tôm trên cạn mật độ cao, tái sử dụng nước nhiều lần trong khi vẫn hạn chế được tác hại tới môi trường cũng như việc sử dụng chất hóa học và kháng sinh.
Hệ thống AquaScience gồm khoảng 4.000m2 mặt nước được che bằng lớp lót nhựa PAED, một cống thoát chính, không có sự trao đổi nước. Việc tái chế và tái sử dụng nước diễn ra giữa các chu kỳ nuôi, sử dụng công nghệ biofloc. Việc xử lý chất thải hữu cơ như thức ăn thừa, phân... được thực hiện thông qua quá trình phân rã và phân hủy bởi vi khuẩn. Hệ thống này tái sinh hỗn hợp nitrogen bằng các quá trình sinh học nitrat hóa và khử nitơ, đồng thời tái chế hỗn hợp phốtpho bằng vi khuẩn và tảo.
Điểm đặc biệt của hệ thống này là các chỉ số nước đều rất ổn định. “Sự biến động của ôxy hòa tan chỉ ở mức 0,5mg/L và độ pH là 0,3 trong hơn 24 giờ. Điều này cho phép ao nuôi tránh các tác nhân gây bệnh. Nhiệt độ ao được giữ ở mức 27-280C trong bóng mát” - Werner Jost - Giám đốc điều hành Camanor - nói.
Theo ông Jost, để sản xuất một kilôgam tôm, nếu trang trại nuôi tôm kiểu cũ cần 19.000 lít nước thì hệ thống mới chỉ cần 240 lít. “Trong năm 2013, chúng tôi sản xuất 10 tấn/ha, mỗi con tôm nặng 12g, tỷ lệ sống sót là 90%. Mật độ nuôi là 100 tôm giống/m2. Đến tháng 2/2015, chúng tôi đã sản xuất được 48,5 tấn/ha mỗi chu kỳ nuôi, mỗi con tôm nặng 22g. Mật độ nuôi là 230 con/m2 và tỷ lệ sống sót 95%” - Jost nói. Năm 2016, năng suất tôm đã đạt trên 50 tấn/ha.
Werner Jost cũng cho biết thêm: “Với công nghệ mới này, mỗi năm chúng tôi có thể sản xuất được 4 vụ, nuôi trồng được 300 con/m2”. Trong mô hình này, nước thoát ra từ ao tôm sẽ được xử lý khử nitơ để sau đó đưa vào ao nuôi cá rô phi. Khử nitơ và phốtpho là hai vấn đề khó giải quyết nhất trong hệ thống nuôi tôm; nhưng với AquaScience, kể cả tới lần nước thứ năm sau tái chế, nồng độ nitơ và phốtpho vẫn được bảo đảm. Hơn nữa, mô hình này còn giúp người nuôi quản lý các loại virus gây bệnh cho tôm một cách dễ dàng hơn, tránh được những thiệt hại đáng tiếc.
Với công nghệ này, năm 2016, Camanor đã được Hiệp hội Nuôi trồng thủy sản thế giới trao giải thưởng Người lãnh đạo và đổi mới sáng tạo nghề nuôi trồng thủy sản thế giới.