Phát triển tự phát
Phường Cam Linh (TP. Cam Ranh) hiện có khoảng 7.000 lồng NTTS, trong đó hơn 90% là lồng nuôi tôm hùm xanh. Bà Nguyễn Thị Châu Pha - Chủ tịch Hội Nông dân phường Cam Linh cho hay, những năm gần đây, nghề nuôi tôm hùm phát triển nhanh chóng, đặc biệt là tôm hùm xanh. Tuy nhiên, việc vận động người dân di dời lồng bè đến vùng quy hoạch rất khó khăn. Các thông báo về việc đề nghị di dời, cấm phát sinh lồng bè tự phát mới đã được phổ biến đến người dân nhưng tình hình vẫn không có nhiều chuyển biến. Người nuôi không đồng tình với việc di chuyển về vùng nuôi theo quy hoạch vì xa, khó quản lý tài sản.
Ông Trương Văn Khang (phường Cam Linh) cho biết, khoảng 7 năm trở lại đây, phong trào NTTS trên địa bàn phát triển mạnh. Nhiều hộ đã đầu tư nuôi tôm hùm, người ít vốn cũng bỏ ra vài chục triệu đồng để nuôi vài lồng. Chính vì vậy, các vùng nuôi ven vịnh chen chúc nhau, để lại nhiều hệ lụy, rất khó kiểm soát. Không riêng gì địa bàn phường Cam Linh, ở nhiều địa phương khác, tình trạng người dân phát triển tự phát nghề nuôi thủy sản lồng bè cũng diễn ra hàng ngày.
Hiện nay, số lượng lồng bè NTTS trong vịnh Cam Ranh đã lên đến khoảng 50.000 lồng, trong đó số lồng bè nằm ngoài vùng quy hoạch khoảng 33.000 lồng. Thực tế, việc phát triển NTTS tự phát ở ven bờ những năm qua đã để lại hệ lụy lớn về môi trường, cảnh quan trong vịnh Cam Ranh. Lãnh đạo UBND TP. Cam Ranh đã nhiều lần nhấn mạnh, để phát triển chung TP. Cam Ranh thì không thể tiếp tục tái diễn tình trạng NTTS tự phát ở ven bờ. Tuy vậy, muốn thực hiện đúng quy hoạch, bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước rất cần sự đồng lòng của người dân.
Khó khăn trong thực hiện
Để phát triển bền vững nghề NTTS trên vịnh Cam Ranh, hơn 1 năm qua, địa phương đã tập trung triển khai quy hoạch phát triển ngành Thủy sản đã được UBND tỉnh phê duyệt. Theo đó, đối với NTTS bằng lồng bè trên vịnh Cam Ranh, chỉ phát triển ở 3 khu vực đã được quy hoạch ở Bình Ba, Bình Hưng và Cam Lập.
Một vấn đề khiến người dân lo lắng là khu vực được quy hoạch này khá xa, bất tiện so với khu vực người dân đang nuôi trồng hiện nay nên họ không chịu di dời. Đó là chưa kể các vùng quy hoạch chỉ đáp ứng được hơn 3/5 nhu cầu của người dân, vùng quy hoạch không đủ diện tích mặt nước để toàn bộ lồng bè kéo đến. “Nhà ở Cam Linh mà sang tận Bình Ba, Bình Hưng để nuôi tôm thì khó quá. Ra nuôi ở vùng quy hoạch nước sâu, sóng gió nhiều, phải đầu tư lồng bè rất tốn kém… Chúng tôi chỉ muốn nuôi tại vùng nước ven bờ như hiện nay, không muốn di dời đi đâu cả”, ông Lê Văn Bình - người nuôi tôm hùm xanh ở phường Cam Linh giải bày.
Theo lãnh đạo Phòng Kinh tế TP. Cam Ranh, thời gian qua, thành phố đã phối hợp với các đơn vị chức năng triển khai quy hoạch chi tiết vùng nuôi. Đồng thời, địa phương đã thông báo đến tất cả các hộ nuôi trong vịnh Cam Ranh về những khu vực nuôi không phù hợp để có kế hoạch chấm dứt hoạt động NTTS ngoài vùng quy hoạch. Tuy nhiên, việc triển khai đang gặp một số khó khăn. Riêng về nguồn kinh phí triển khai, TP. Cam Ranh kiến nghị tỉnh hỗ trợ đối với các hạng mục: cắm mốc, thả phao định vị vùng quy hoạch và khảo sát, lập phương án NTTS trong vùng quy hoạch. Ngoài ra, địa phương còn kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí di dời lồng bè hiện hữu đến vùng quy hoạch.
Dự kiến, đến năm 2020, TP. Cam Ranh sẽ lần lượt di dời lồng bè đến vùng quy hoạch, từ năm 2021 trở đi, địa phương sẽ tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp không chấp hành quy định. Đối với các hộ nuôi nhỏ lẻ, không có khả năng gắn bó với nghề nuôi, địa phương sẽ lên kế hoạch đào tạo, chuyển đổi nghề. Ngoài ra, địa phương cũng tập trung triển khai kiểm soát chặt hoạt động NTTS trên vịnh Cam Ranh, không để người dân tiếp tục phát triển tự phát.
Theo Quyết định phê duyệt quy hoạch phát triển ngành Thủy sản Khánh Hòa đến năm 2025 và định hướng đến năm 2035, vịnh Cam Ranh có 3 vùng NTTS bằng lồng bè, với tổng diện tích 630ha, phát triển 34.000 ô, lồng nuôi. Cụ thể, vùng nuôi Bình Ba có diện tích 100ha, bố trí khoảng 8.000 lồng nuôi; vùng nuôi Cam Lập diện tích 500ha, bố trí 25.000 lồng nuôi; vùng nuôi Bình Hưng diện tích 30ha, bố trí 1.000 lồng nuôi