CÒN NHIỀU KHÓ KHĂN
Theo UBND huyện Đông Hòa, diện tích mặt nước khu vực Vũng Rô rộng khoảng 1.640ha được quy hoạch để làm cảng biển tổng hợp, chuyên dùng cho dầu khí và container, không quy hoạch nuôi thủy sản. Tuy nhiên, trong một thời gian dài, hoạt động nuôi thủy sản tự phát, trái phép tại đây diễn biến phức tạp. UBND tỉnh đã nghiêm cấm và tạm thời chấp nhận cho các doanh nghiệp, hộ gia đình nuôi thủy sản đến hết tháng 10/2013, rồi tự tháo dỡ hoặc di chuyển lồng, bè để hoàn trả mặt nước cho cảng Vũng Rô. Tỉnh cũng đã chỉ đạo UBND huyện Đông Hòa phối hợp với các ngành chức năng thực hiện nghiêm việc giải tỏa lồng, bè thủy sản ở khu vực này, nếu hộ dân nào không chấp hành thì cưỡng chế. Thế nhưng, đến nay, công tác di dời lồng, bè nuôi thủy sản vẫn chưa được thực hiện dứt điểm vì gặp nhiều khó khăn. Các lồng bè nuôi thủy sản ở nhiều vùng nuôi khác nhau nên việc kiểm tra, thống kê rất vất vả. Một số chủ bè là người địa phương khác, ít có mặt tại bè nuôi nên việc nắm bắt thông tin, vận động gặp trở ngại. Hầu hết các vùng nuôi ở địa phương khác đều quá tải nên không muốn tiếp nhận thêm lồng bè, đồng thời một số chủ bè không muốn di dời khỏi Vũng Rô. Chi phí cho việc di chuyển các lồng bè đến những vùng nuôi khác khá cao, một số hộ nuôi thua lỗ không có khả năng di chuyển lồng bè khỏi Vũng Rô nên hầu hết còn do dự chưa muốn di dời…
Ông Võ Tấn Hưng ở xã An Hòa (huyện Tuy An), cho biết: Gia đình tôi nuôi tôm hùm ở Vũng Rô từ năm 2009 đến nay. Hiện bè nuôi của tôi có 35 ô lồng, để di dời bè này đi nơi khác thì chi phí khoảng 40-50 triệu đồng. Tuy nhiên, ở Tuy An hiện không có nơi nào thuận lợi để nuôi tôm hùm, còn kéo bè đến địa phương khác thì không được phép. Các hộ nuôi thủy sản mong tỉnh quy hoạch một khu vực nuôi tạm thời để người dân di dời lồng, bè đến. Còn theo ông Nguyễn Em ở xã An Ninh Đông (huyện Tuy An), thì việc bắt buộc di chuyển lồng bè nuôi thủy sản tự phát ra khỏi Vũng Rô khiến nhiều người nuôi tôm gặp khó khăn. Bè nuôi tôm hùm của gia đình ông Em hiện có 50 ô lồng, tôm nuôi đã được 15 tháng, tổng đầu tư khoảng 3 tỉ đồng. Nếu tỉnh không có quy hoạch và bố trí vùng nuôi nào cho các hộ nuôi tôm ở Vũng Rô sau năm 2005, thì người dân không biết phải làm sao.
GIẢI PHÁP TẠM THỜI
Theo UBND huyện Đông Hòa, tính đến nay, khu vực Vũng Rô còn khoảng 5.000 ô lồng nuôi thủy sản; trong đó có 140 hộ với hơn 3.380 ô lồng nuôi trước năm 2005. Mới đây, tỉnh đã cho phép địa phương lập quy hoạch tạm thời với diện tích 100ha để bố trí số lồng bè của các hộ nuôi trước năm 2005. Diện tích này chia thành 4 cụm, khoảng cách giữa các cụm là 50m, mật độ lồng nuôi từ 30-60 lồng/ha, thời gian nuôi đến hết năm 2017. Nếu đến thời điểm này, Nhà nước chưa có nhu cầu sử dụng diện tích mặt nước tại khu vực nói trên thì huyện Đông Hòa có thể đề nghị UBND tỉnh gia hạn. Còn khi Nhà nước thu hồi, các hộ nuôi thủy sản ở đây không được đền bù. Ông Đỗ Tấn Thành, cán bộ Phòng NN-PTNT huyện Đông Hòa, cho biết: Diện tích mà huyện đang quy hoạch tạm thời thuộc khu vực bãi Bàng, bãi Lau và bãi Nhãn. Trước mắt, huyện cần phải giải tỏa các hộ nuôi ở khu vực này xong mới thực hiện được quy hoạch và sắp xếp lại. Hiện khu vực từ bãi Bàng đến bãi Nhãn có 42 hộ với 2.318 ô lồng cần phải giải tỏa.
Theo ông Võ Ngọc Hòa, quyền Chủ tịch UBND huyện Đông Hòa, địa phương đang lập phương án và kiên quyết di dời số lồng bè nuôi thủy sản sau năm 2005 ra khỏi Vũng Rô để sắp xếp lại khu vực nuôi trồng thủy sản ở khu vực tỉnh đã cho phép. UBND huyện có thông báo đến từng chủ bè và yêu cầu phải di dời trước ngày 20/6/2016. Địa phương cũng giao Phòng NN-PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan của tỉnh, huyện và UBND xã Hòa Xuân Nam thực hiện phương án quy hoạch tạm thời. Sau khi giải tỏa và có quy hoạch chi tiết, huyện sẽ sắp xếp 146 bè của 140 hộ dân nuôi thủy sản tại Vũng Rô trước năm 2005 vào khu quy hoạch.